Thay vì sử dụng thiết bị, vật tư nhập khẩu như thời hoàng kim, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu hiện chuyển sang quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm nội nhằm hạ tối đa giá thành công trình.
Ông Nguyễn Xuân Bằng, Trưởng ban quản lý dự án Hồ Gươm Plaza (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, không ít trang thiết bị, vật tư, phụ tùng lắp đặt cho dự án này được chủ đầu tư chuyển sang dùng hàng trong nước.
“Ví dụ, chủ đầu tư và nhà thầu đã bàn bạc với nhau và thống nhất thay thế toàn bộ hệ thống chứa nước từ bồn composite nhập khẩu sang loại inox nội địa. Tính năng vẫn như nhau nhưng chi phí ban đầu giảm được khoảng 45%”, ông Bằng cho hay.
Theo ông, trong bối cảnh giá căn hộ cạnh tranh gay gắt, việc làm thế nào để tiết giảm tối đa giá thành xây dựng mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình luôn khiến chủ đầu tư, nhà thầu đau đầu.
Giám đốc một công ty bất động sản tại Hà Nội cũng cho biết, từ năm ngoái đã lên chiến lược ưu tiên dùng thiết bị, vật tư trong nước để tiết giảm chi phí. “Việc này giúp giảm giá 20-50% (tùy từng loại). Tuy nhiên, không phải loại vật liệu nào hàng nội cũng có giá rẻ hơn nên chúng tôi vẫn sử dụng xen kẽ”, vị này cho hay.
Cũng theo lãnh đạo trên, việc chuyển sang dùng hàng nội trong bối cảnh hiện nay cũng giúp nhà thầu tiếp cận nguồn hàng một cách thuận lợi hơn. “Lo mình không có tiền trả, đơn vị cung cấp nước ngoài cũng không mặn mà như trước nữa. Trong khi đó, với những nhà sản xuất trong nước thì việc thương thảo dễ dàng hơn. Nếu có sự hợp tác 3 bên giữa ngân hàng, bên cung cấp thiết bị và chủ đầu tư thì càng thuận lợi”, vị này lý giải.
Mặc dù thay đổi vật liệu so với dự định ban đầu, nhưng theo cam kết của chủ đầu tư, việc này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. "Những vật liệu được thay đổi chủ yếu là các loại gạch, nội thất, trang thiết bị trong khu căn hộ. Còn lại nhiều loại vật liệu nội vẫn nghèo nàn, giá thành cũng không cạnh tranh nên chúng tôi rất hạn chế", lãnh đạo công ty bất động sản cho hay.
Theo ông, đây là biện pháp để giảm chi phí xây dựng, giá căn hộ vì thế cũng được điều chỉnh phù hợp hơn với túi tiền của người dân. "Chất lượng và độ an toàn của công trình vẫn được tính toán kỹ càng. Loại nào cần thiết phải dùng hàng nhập, chúng tôi cũng sẵn sàng đầu tư", chủ đầu tư cho hay.
Trao đổi với pv, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc doanh nghiệp tính toán để tiết giảm chi phí là điều cần thiết.
"Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng nội cũng có giá rẻ hơn và quan trọng là chất lượng công trình cần được đảm bảo. Khi sử dụng chủ đầu tư phải tính toán đến các yếu tố an toàn kỹ thuật chứ nếu chỉ chạy theo giá thành thì chẳng khác nào 'tự đào hố chôn mình'. Có thể chỉ bán được 1-2 dự án , khách sẽ không đến nữa", ông Liêm cho hay.
Do đó, theo tiến sĩ Liêm, chủ đầu tư phải luôn đặt bài toán lợi nhuận và chất lượng công trình song hành để có thể tạo ra sản phẩm giá tốt, cạnh tranh mà không tổn hại uy tín doanh nghiệp.
Nhờ việc nhiều chủ đầu tư chuyển sang dùng hàng nội nên một số đơn vị sản xuất vật liệu có doanh số tăng đáng kể. Theo ông Nguyễn Duy Chính – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành, so với cùng kỳ, sản lượng tiệu thụ hiện tại của đơn vị tăng gấp 2,5 lần; so với năm 2011 – thời điểm thị trường chủ yếu sử dụng các sản phẩm nhập khẩu thì con số này gấp khoảng 8 lần. Từ nay đến cuối năm, đơn vị này phải "trả nợ" khoảng 500 sản phẩm cho những hợp đồng đã ký. Hiện những sản phẩm bán chạy nhất là loại bồn công nghiệp có quy mô 30.000 lít, dành cho những dự án lớn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất kinh doanh tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế gấp hơn 2 lần so với kế hoạch.
Tại cuộc hội thảo gần đây, ông Trần Văn Huỳnh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho biết, mức tiêu thụ đối với một số sản phẩm như xi măng, thép, gạch ốp lát, sứ vệ sinh... tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.
Hội cũng đang kiến nghị cơ quan Nhà nước không cấp giấy phép xây dựng, cho vay tiền làm nhà ở xã hội, công trình có vốn nhà nước nếu dùng vật liệu ngoại nhập. Đơn vị này cũng đề xuất một số biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành như ưu đãi thuế, ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay lãi rẻ....
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress