Đèn trang trí để làm gì?

Cập nhật 31/10/2012 11:25

Câu hỏi nghe lạ, thì để trang trí chứ để làm gì! Nhưng hãy thử xem ba ví dụ sau để thấy không hẳn như vậy.

Anh Tân ở khu dân cư Sông Giồng, quận 2 khẳng định, khi giao thầu ngôi nhà mới xây anh không tính đèn trang trí, chỉ yêu cầu bên xây dựng lắp đèn neon loại 1,2m là đủ sáng các phòng. Anh tuyên bố : “Có bao giờ bật đèn chùm đâu mà mua đến mấy chục triệu cho tốn kém. Có nhà hôm tân gia bật hết đèn là cầu chì rớt cái bụp liền, chịu không nổi”.

Loại đèn hoàn toàn có tính chất trang trí này thích hợp cho phòng khách và khu vực bàn ăn

Ông Nghĩa ở quận Bình Tân lại nghĩ khác, ông muốn kiến trúc sư phải đi chọn đèn trang trí cho mình khi nhà làm gần xong, đưa mẫu đèn vào phối cảnh 3D cho ông xem trước trên máy tính. Kết quả căn biệt thự phố nhỏ có hai phòng ngủ của ông mua gần 200 triệu đồng đèn trang trí các loại, và sau hai tháng dọn về nhà mới ông đã bị bà xã than trời vì tiền điện tăng vọt.

Có thể thấy khái niệm “đèn trang trí” lâu nay hay được gia chủ hiểu là các loại đèn chỉ phục vụ cho chiếu sáng cầu kỳ hay thuần tuý mỹ thuật. Do vậy khi kinh phí hạn chế hay nhu cầu không có nhiều thì gia chủ rất hay cắt giảm phần mua sắm này. Hoặc dù có mua đầy đủ nhưng không dùng thường xuyên vì ngại hao điện hoặc không có nhu cầu “khoe” đèn. Thực ra chọn đèn trang trí không hoàn toàn chỉ phục vụ trang trí mà yếu tố tiện nghi đảm bảo ánh sáng phải tính đến đầu tiên. Thông thường có hai hướng xảy ra: một là nếu hệ thống đèn chiếu sáng cơ bản tính đủ thì đèn trang trí sẽ thừa. Lúc này, nội thất ngôi nhà không có yếu tố đặc sắc, chủ yếu là ánh sáng đèn neon trên tường hay trần mà dân trong nghề hay nói rằng “chụp ảnh không đẹp”. Hai là kết hợp đèn trang trí với đèn chiếu sáng thì phải tính toán kỹ mức độ sử dụng đèn trang trí có tốn điện và tốn chi phí đầu tư ban đầu hay không, và nhất là có sáng đúng – sáng đủ – sáng đẹp hay không. Nếu tính không thấu đáo, đèn trang trí sẽ bị dư mà ánh sáng sử dụng thì vẫn thiếu.

Cụ thể, chọn đèn phòng ăn phải có ánh sáng toả đều trên bàn ăn để còn lựa xương cá hay múc súp nóng, chứ không cần rọi đèn vào… mặt người đang nhai nhóp nhép. Còn đèn trên gương soi phòng tắm, đèn trước bàn trang điểm thì phải sáng rõ mặt hoa da phấn để mà cạo râu, nặn mụn cho an toàn. Phòng ngủ luôn cần ánh sáng dịu và gián tiếp để tăng tính lãng mạn, dỗ yên giấc nồng, trong khi yêu cầu ánh sáng cho phòng làm việc phải vừa chan hoà đều trong phòng vừa có điểm tập trung nơi đọc sách, viết lách. Ngôi nhà để ở khác với quán càphê, spa hay khách sạn là ở cách thức chiếu sáng không chỉ đem lại ấn tượng, cá tính hay cảm giác gì đặc biệt, mà còn phải đặt vấn đề sáng rõ cho các sinh hoạt cơ bản lên hàng đầu.

Mặt khác, cần chú ý hình thức bên ngoài của đèn trang trí cả lúc sử dụng lẫn không sử dụng. Ví dụ như một mảng tranh trên tường nên tính toán chiếu sáng phải quan tâm đến độ phủ của vùng sáng trên tranh không bị chói và không bị lệch, đèn không nóng và không có các tia sáng mạnh làm hư hại tranh ảnh, những điều này quan trọng hơn là cái vỏ bọc đèn ấy có hình thù gì. Nhưng khi xét đến bộ đèn cho phòng khách thì ngoài yếu tố ánh sáng cần quan tâm khi không bật đèn lẫn khi lên đèn rực rỡ thì bộ đèn ấy phải có đường nét, chi tiết như một vật trang trí đẹp mắt. Thêm nữa, với những nhà gần đường lớn bụi bặm thì đèn chùm có nhiều chi tiết nhỏ luôn bị chê là bám bụi khó lau chùi, gia chủ hay ưu tiên mua những loại đèn áp trần, đèn treo kiểu dáng đơn giản hơn.

Cũng cần lưu ý về sự khác biệt giữa nguồn sáng ban ngày và chiếu sáng ban đêm. Nếu như ban ngày ánh sáng đi vào nhà qua giếng trời hay hệ thống cửa mở ra bên ngoài, thì ban đêm lại nhờ hệ thống đèn. Do đó bố trí đèn phải tính vị trí, góc chiếu sáng sao cho giữ được tính ổn định, không tạo chênh lệch quá khác biệt về độ tiện nghi giữa ngày và đêm, giữa khi bật đèn và không bật đèn. Ví dụ bàn làm việc ban ngày kê gần cửa sổ có ánh sáng vào bên tay trái, nhưng ban đêm thì đèn lại nằm bên tay phải hay ở sau lưng người dùng ắt sẽ không ổn. Nhiều nhà đèn chi chít mà vẫn không đủ sáng chính bởi phân bố ánh sáng chỉ rải đều theo kiểu bình quân mà ít chú ý đến sinh hoạt cụ thể vào ban đêm và bề mặt nhận sáng, phản xạ, khúc xạ hay che chắn ánh sáng ở từng không gian ra sao.

Tóm lại, mua đèn trang trí là phần việc hoàn thiện cho một ngôi nhà, nhưng không đơn thuần để ngắm nhìn kiểu dáng đèn hay tạo ấn tượng lạ mắt, mà phải căn cứ theo thực tế và nhu cầu sử dụng. Đa số gia chủ chỉ hình dung hết không gian phòng ốc nhà mình khi nhà đã... làm xong, lúc đó tính toán đèn để có ánh sáng đẹp, phù hợp mà không lãng phí trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi các bên liên quan (gia chủ, thiết kế, thi công, nhà cung cấp đèn…) phải chủ động và phối hợp tốt với nhau ngay từ đầu.

Bài: kts Thái Hoàng dưỡng

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT