Ngày càng có nhiều dự án có vốn nước ngoài (dự án FDI) đầu tư vào ngành thép được cấp phép, trong khi sản xuất trong nước đang đủ sức đáp ứng nhu cầu. Đây chính là điều khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại.
Mới đây nhất, ngày 19/9, UBND tỉnh Ninh Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Liên hợp thép Cà Ná, tổng vốn đầu tư gần 9,8 tỷ USD, cho Liên doanh giữa Tập đoàn Lion (Malaysia), góp 70% vốn và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Trước đó đã có khá nhiều dự án FDI (hoặc FDI chiếm phần lớn) đầu tư vào ngành thép được cấp phép. Đáng chú ý là Nhà máy Liên hợp thép Tycoon - E.United ở Dung Quất, Quảng Ngãi (100% vốn Đài Loan); Nhà máy Liên hợp thép Formosa - Sunco ở Vũng Áng, Hà Tĩnh (100% vốn Đài Loan). Ngoài ra, một số dự án FDI khác cũng đang chờ được cấp giấy phép.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam dự kiến năm 2010 đạt 10 - 11 triệu tấn và năm 2025 khoảng 24 - 25 triệu tấn.
Với quy hoạch này, trong khoảng 10 năm nữa, Việt Nam chỉ cần xây dựng 1 - 2 liên hợp luyện thép là hợp lý. Trước việc các địa phương cấp phép quá nhiều cho các dự án FDI vào ngành thép, VSA đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Chí Cường cho rằng, sản phẩm thép liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế và quốc phòng của đất nước. Trong khi đó, các dự án lớn đầu tư vào ngành thép thời gian qua phần lớn là vốn FDI thì vai trò làm chủ của ngành thép trong nước sẽ không còn.
Để ngành thép trong nước phát triển bền vững, chỉ cần lựa chọn một vài dự án thật sự chất lượng, đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính và công nghệ. Nếu lựa chọn không cẩn thận, họ sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án, trong khi hàng nghìn hécta bị giải tỏa, nông dân sẽ bị thiệt thòi.
“Tôi thấy, một số địa phương vì nóng vội thu hút đầu tư, cấp phép cho dự án mà chưa thực sự chú ý đến tình trạng giao thông vận tải, cảng biển, năng lượng, nước làm mát ở địa phương mình… có đủ để đáp ứng được cho những dự án lớn hay không?” - ông Cường nêu vấn đề.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thép Việt, cũng lo sợ những liên hiệp thép ngoại này sẽ lấn át thép trong nước. Ông Thái cho rằng, ở các nước, trong quy hoạch và cấp phép cho các dự án luôn chừa khoảng trống so với dự báo để kích thích đầu tư.
Ở Việt Nam thì ngược lại. Nhìn vào các siêu dự án với sản lượng thép sẽ được sản xuất thì thấy cung vượt quá xa cầu, các doanh nghiệp thép trong nước đành xếp lại những dự án, những kỳ vọng…
Bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, trong điều kiện Việt Nam đang thiếu năng lượng như hiện nay, những dự án thép lớn đòi hỏi công suất cung cấp điện rất lớn. Liệu ngành điện có đáp ứng được hay lại bắt người dân và cả nền kinh tế gồng mình gánh vác?
Hiện nay, ở Việt Nam ít nhiều vẫn được bao cấp về giá điện. Trong khi giá điện tính cho các DN trong nước như thế nào thì tính cho các nhà đầu tư nước ngoài như như vậy. Có thể nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy cái lợi này nên họ hăng hái đầu tư vào ngành thép, một ngành tiêu tốn rất nhiều năng lượng chăng? Hơn nữa, nhiều dự án như vậy thì nguyên liệu lấy đâu ra?
Bên cạnh đó, chúng ta phải cẩn trọng đến vấn đề môi trường. Nhà đầu tư nước ngoài nào đến Việt Nam cũng cam kết, hứa hẹn sẽ thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường nhưng thực tế có phải DN nào cũng làm được điều này, trong khi chúng ta lại chưa có một chế tài đủ mạnh để mức xử phạt có tính răn đe. Với những liên hiệp thép, nếu chúng ta không nghiêm khắc trong vấn đề môi trường thì trong tương lai, cái giá phải trả sẽ rất lớn.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, các địa phương có quyền quyết định các dự án đầu tư của nước ngoài. Nhưng với những dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều tài nguyên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì Chính phủ phải kiên quyết trong quy hoạch chiến lược của mình, chứ không thể để địa phương tự quyết định.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV News