Đấu thầu qua mạng: Sao vẫn khó?

Cập nhật 26/02/2014 11:26

Đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao tính minh bạch, nhất là với các gói thầu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng đã gần 5 năm trôi qua, hình thức này mới chỉ dừng lại ở giai đoạn thí điểm.

Đấu thầu qua mạng đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Ảnh: ST

Tiết kiệm và minh bạch

Ở Việt Nam, đấu thầu qua mạng còn khá mới mẻ, được thực hiện thí điểm bắt đầu từ cuối năm 2009. Với sự trợ giúp của Chính phủ Hàn Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng hệ thống đầu tư điện tử thử nghiệm tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn. Đây là trang thông tin điện tử nhằm mục đích quản lí thống nhất thông tin về đấu thầu như: Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, thông tin xử lí vi phạm đấu thầu… Đồng thời đây cũng là trang để các chủ đầu tư, bên mời thầu tự tổ chức, các nhà thầu tham gia thực hiện đấu thầu qua mạng, từng bước thay cho hình thức đấu thầu hiện nay.

Sắp tới chúng tôi yêu cầu tất cả các nhà thầu phải cập nhật lí lịch lên mạng cùng tất cả những hợp đồng họ đã trúng. Họ sẽ phải tự khai năng lực của đơn vị. Nếu nhà thầu nào làm 3 công trình mà khai lên 4, các nhà thầu khác biết được sẽ có ý kiến ngay. Hiện nay, chúng ta vẫn để các nhà thầu khai đã thực hiện bao nhiêu công trình nhưng cho vào tủ cất thì họ khai sai cũng không biết được. Nhưng với việc đăng tải thông tin lên mạng, 90 triệu dân sẽ đọc được các thông tin đó, đơn vị nào khai sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.


Ông Lê Văn Tăng,
Cục trưởng Cục Quản lí đấu thầu

Trên thế giới, việc áp dụng đấu thầu qua mạng đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho các bên tham gia.

Theo báo cáo của các nước (Hàn Quốc, Singapore, Australia…), đấu thầu qua mạng có thể tiết kiệm được từ 3-20% giá gói thầu và trung bình là 10%. Tại Việt Nam, tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm khoảng 20% GDP (khoảng trên 20 tỉ USD). Theo tính toán của các chuyên gia, nếu qua việc đấu thầu thông thường chỉ tiết kiệm được 1% chi phí thì đấu thầu thông qua mạng có thể tiết kiệm được từ 5-20%.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lí đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Đấu thầu qua mạng trên thế giới đã áp dụng nhiều. Đơn cử như Hàn Quốc có tới 80-90% gói thầu đã triển khai đấu thầu qua mạng. Lợi ích của đấu thầu qua mạng là tiết kiệm. Nếu nhà thầu từ Nghệ An ra Hà Nội đi mua hồ sơ mời thầu rồi từ Nghệ An ra Hà Nội để nộp hồ sơ dự thầu thì tốn rất nhiều chi phí. Nhưng với đấu thầu qua mạng, nhà thầu có thể ngồi tại Nghệ An, Cà Mau vẫn có được hồ sơ dự thầu và nộp được hồ sơ dự thầu và dự được buổi mở thầu. Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện thí điểm theo cách thức này. Cho đến nay đã có 1.000 gói thầu được triển khai bằng phương thức đấu thầu qua mạng. Nhìn chung, tỉ lệ tiết kiệm của 1.000 gói thầu đó cao hơn hẳn gói thầu bằng giấy. Ngoài ra, khi nhà thầu không tốn chi phí đi lại họ cũng sẽ chào giá thấp. Cơ quan quản lí Nhà nước cũng không mất công in tài liệu, tổ chức họp hành tốn kém.

“Chủ đầu tư không có cơ hội tiếp cận nhà thầu, nhà thầu cũng không có lí do gì để tiếp cận nhà đầu tư, bởi mọi phần việc đã do máy móc làm. Đương nhiên điều này sẽ giúp sự minh bạch trong đấu thầu qua mạng là rất cao. Chắc chắn lợi ích của đấu thầu qua mạng cũng cao hơn rất nhiều” - ông Lê Văn Tăng chia sẻ.

Theo lãnh đạo Cục Quản lí đấu thầu, khi sự minh bạch, sự cạnh tranh được công khai, sẽ tạo niềm tin cho các nhà thầu có tiềm năng. Họ sẽ không còn lo lắng các nhà thầu cạnh tranh khác lợi dụng mối quan hệ để trúng thầu. “Tôi tin đấu thầu qua mạng sẽ tốt hơn rất nhiều cách thức đấu thầu hiện hành. Vì thế các nước trên thế giới, đặc biệt các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) yêu cầu chúng ta phải tuân thủ việc đấu thầu qua mạng” - ông Tăng nói.

Có nơi không muốn thực hiện?

Việt Nam cũng đã nhìn thấy những lợi ích to lớn do đấu thầu qua mạng đem lại, nhưng lực cản cho lộ trình thực hiện phương thức đấu thầu này không phải là nhỏ. Lãnh đạo Cục Quản lí đấu thầu cũng thừa nhận thực trạng có một bộ phận đơn vị tổ chức đấu thầu không muốn thực hiện đấu thầu qua mạng. Ông Lê Văn Tăng bộc bạch: “Trong đấu thầu điện tử, khó nhất là quyết tâm chính trị. Khi triển khai cách thức đấu thầu này, đơn vị tổ chức thầu thường lấy lí do nghẽn mạng hay không có người am hiểu công nghệ thông tin để trì hoãn việc đấu thầu qua mạng. Họ không muốn đấu thầu qua mạng vì đụng chạm ngay đến quyền lợi và lợi ích của người tổ chức đấu thầu. Việc nhà thầu phải đến gặp, trao đổi với đơn vị tổ chức dễ dẫn đến tiêu cực. Tuy nhiên chúng ta phải kiên trì, tuyên truyền để làm sao các đơn vị tổ chức đấu thầu phải vì lợi ích chung mà chuyển sang phương pháp đấu thầu qua mạng.

Đến hết năm 2013, việc thí điểm đấu thầu qua mạng đã trải qua gần 5 năm. Nói về lộ trình thực hiện rộng rãi đấu thầu qua mạng, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lí đấu thầu cho biết: Trong thời gian từ 2009-2011, chúng tôi đã tiến hành thí điểm đấu thầu qua mạng. Sau đó chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng xin triển khai đại trà nhưng Chính phủ yêu cầu làm thêm 2 năm nữa, tức đến hết 2013 kết thúc thí điểm. Cuối tháng này chúng tôi sẽ tổng kết thí điểm đấu thầu qua mạng.

Tuy vậy, lãnh đạo Cục Quản lí đấu thầu cũng bổ sung thêm rằng: Thời điểm cụ thể để 100% gói thầu triển khai qua mạng vẫn chưa được tính đến. Bởi vì điều này còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng về kĩ thuật, về ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều yếu tố khác. Song tỉ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng sẽ được nâng dần lên qua các năm.



DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan