Đau đầu với thép nhập siêu

Cập nhật 13/03/2013 08:46

Đưa chúng tôi đi xem lô hàng nhập khẩu 10.000 tấn tôn mạ kẽm vừa nhập về, giám đốc Công ty SXTM MT (Q.7, TP.HCM) cho biết dù mặt hàng này trong nước đã sản xuất được nhưng công ty vẫn nhập do hàng nhập có giá rẻ hơn.

“Tại thời điểm hiện nay, sau khi trừ tất cả chi phí, hàng nhập rẻ hơn 200.000 đồng/tấn so với hàng cùng chủng loại sản xuất trong nước“ - vị giám đốc này nói.

Chuyện các doanh nghiệp thương mại đua nhau nhập thép thay vì mua trong nước đang là hiện tượng đau đầu đối với các nhà sản xuất thép trong nước những tháng đầu năm nay. Số liệu của ngành thép cho biết trong hai tháng đầu năm 2013, nhập siêu của ngành này đã vượt hơn 1 tỉ USD, trở thành một trong những ngành hàng có mức nhập siêu lớn nhất trong vòng ba năm gần đây, trong khi năm 2012 ngành thép nhập siêu hơn 5 tỉ USD.

Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), thừa nhận ngoài các chủng loại sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được, việc các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập các loại thép trong nước đã sản xuất một phần do chính sách quản lý hàng nhập khẩu còn khá lỏng lẻo, chưa bảo vệ được hàng sản xuất trong nước. “Trong khi Indonesia, Thái Lan đang tiến hành khởi kiện thép VN bán phá giá tại nước họ, mà chủ yếu là do họ dựng hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu, thì hàng từ các nước vào VN lại khá dễ dàng, kể cả thép kém phẩm chất” - ông Cường nói.

Chẳng hạn, loại thép pha hợp kim B (với hàm lượng thấp 0,0008% có giá thành rất rẻ) nhập từ Trung Quốc đã lên tới cả triệu tấn trong năm 2012 với giá trị nhập khẩu lên đến hàng trăm triệu USD, chỉ chịu mức thuế suất 0%. Khi vào VN, hàng này lại được bán dưới dạng thép cuộn xây dựng, mà nếu nhập theo đường chính ngạch có kiểm tra giấy tờ đầy đủ thì thuế suất nhập khẩu phải là 10%.

Hiện VSA đang ráo riết đề xuất một loạt giải pháp cho những bộ ngành có liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát thép nhập khẩu trên cơ sở học tập kinh nghiệm của những nước đang... kiện VN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Ông Phạm Chí Cường cho rằng việc dựng các hàng rào kỹ thuật cùng với siết chặt thủ tục hành chính trong khâu quản lý nhập khẩu, chẳng hạn như yêu cầu phải thực hiện việc đăng ký, có chứng nhận chất lượng theo thủ tục quy định là một trong những biện pháp bảo vệ các sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Với những sản phẩm thép có phẩm cấp kém, việc nhanh chóng ban hành các quy chuẩn quốc gia cho tất cả các loại thép nhập khẩu cũng hết sức quan trọng.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ