Đằng sau Dự án “Thủ phủ hàng không” Long Thành - Bài 2: “Đi tắt, đón đầu…

Cập nhật 29/10/2013 08:36

Mặc dù dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn nằm trên giấy chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và với hàng loạt báo cáo tiền khả thi đang còn ở giai đoạn khảo sát, đánh giá hiện trạng ban đầu, song Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) và UBND tỉnh Đồng Nai đã công bố quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đã có nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức nhảy vào xí phần, biến nhiều khu đất xung quanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành “đất vàng” để trục lợi.

>>Bài 1: Chưa được nghiên cứu đầy đủ

Đua nhau xin đất lập dự án

Phần đầu bản quy hoạch, nhóm tác giả đồ án mô tả: “Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã nhận ra rằng, dự án sân bay Long Thành sẽ tạo ra nhiều cơ hội và nhu cầu cho sự phát triển trong khu vực trung tâm sân bay. Kết quả là khu vực xung quanh trung tâm sân bay đã trở thành những vùng đất đầy tiềm năng phát triển…”. Lời mời gọi này ngay lập tức được các đơn vị, doanh nghiệp (DN) và cá nhân khắp nơi đổ về Đồng Nai đón đầu đầu tư bằng những dự án “siêu đô thị”, có khả năng hoàn thành trong thời gian sớm nhất, trước khi sân bay Long Thành đi vào triển khai giai đoạn 1.

Đầu tiên là “khu đất vàng” hơn 300ha thuộc địa phận xã Tam Phước (huyện Long Thành) được một DN nhảy vào lập quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai. Trong quy hoạch 21.000ha khu vực xung quanh sân bay Long Thành, vị trí đất tại đây được coi là đắc địa bởi các yếu tố: nằm trong vùng bán kính đô thị trung tâm TPHCM, TP Biên Hòa, TP công nghiệp Nhơn Trạch, các khu đô thị xung quanh sân bay Long Thành… Để tăng tính khả thi cho dự án, phía DN đưa ra phương thức đầu tư “đổi đất lấy trung tâm hành chính tỉnh” và nhanh chóng được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Theo quy hoạch của DN đầu tư, phần lớn diện tích đất trong khu vực sẽ được xây dựng các khu đô thị, trung tâm dịch vụ, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế… có khả năng kết nối các đô thị trung tâm trong vùng qua hệ thống đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây… Để yên lòng nhà đầu tư, năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định nhập xã Tam Phước của huyện Long Thành về địa giới hành chính TP Biên Hòa, chính thức hợp pháp hóa dự án đầu tư trong khi chờ được phê duyệt.


Dự án Khu dân cư Mỹ Long thuộc xã Lộc An, huyện Long Thành được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đầu tư sau khi có đồ án quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong một nhận định khác, nhóm tác giả đồ án quy hoạch đưa ra tính chất của “thủ phủ hàng không” theo kiểu: “Mô hình của bất động sản đã và đang chuyển từ yếu tố vị trí, sang yếu tố khả năng tiếp cận”, “sân bay như TP”. Định hướng trên được chọn làm cơ sở xác định địa điểm thích hợp cho các khu vực. Trong đó, 2 xã Long An và Long Phước có vị trí trung tâm của các khu đô thị xung quanh sân bay Long Thành. Mỗi xã hiện có diện tích hơn 3.000ha, trong đó chỉ có 317,4 ha (xã Long Phước) và 600ha (xã Long An) nằm trong dự án sân bay Long Thành. Phần lớn diện tích đất còn lại được quy hoạch các khu đô thị xung quanh sân bay.

Từ năm 2009 đến 2012, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Long Thành đã ra quyết định chấp thuận địa điểm đầu tư cho hơn 30 dự án tại các vị trí trong vùng quy hoạch 21.000ha khu vực xung quanh sân bay Long Thành, trong đó chiếm phần lớn tại 2 xã Long An và Long Phước. Thấy tình hình có vẻ không ổn, ngày 26-10-2012 UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản gửi UBND huyện Long Thành về xử lý đối với việc thỏa thuận địa điểm các dự án đầu tư trong phạm vi khu vực xung quanh Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND huyện Long Thành tạm ngưng thực hiện việc thỏa thuận địa điểm thuộc thẩm quyền cấp huyện trong vùng xung quanh dự án sân bay Long Thành. Văn bản vẫn cho phép cấp tỉnh được ra quyết định thuận địa điểm đầu tư theo thẩm quyền, nhưng cần rà soát và nghiên cứu kỹ vị trí, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch…

Quyết định trên được xem như chuyện đã rồi, vì trên thực tế nhiều khu vực đắc địa đã được các DN và cá nhân nhảy vào “xẻ thịt”. Trong khi đó, điều hết sức ngạc nhiên là quá trình đi thực tế đến các xã vùng dự án, khi nghe chúng tôi đưa ra những thông tin này, nhiều cán bộ lãnh đạo UBND xã đều nói “không biết”. Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước, Bùi Hồng Tiến, nói: “Xã không biết chủ trương thuận địa điểm đầu tư của huyện đưa ra. Chỉ thấy thời gian gần đây tại khu vực ấp 5, gần Cụm công nghiệp Long Phước, đất đai có vẻ sôi động lên. Thế nhưng, đều là mua bán ngầm với nhau, vì phần lớn đất trong xã là quy hoạch, UBND xã không chứng nhận chuyển nhượng cho trường hợp nào…”.

Quy hoạch chồng quy hoạch

Năm 2010, tỉnh Đồng Nai công bố quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tại các xã của huyện Long Thành, trong đó có phần diện tích dành cho quy hoạch sân bay Long Thành. Quy hoạch trên được huyện Long Thành công khai đến người dân và coi đây là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, khi được hỏi về đồ án quy hoạch 21.000ha xung quanh sân bay Long Thành, người dân và lãnh đạo UBND các xã đều nói “không biết”. Bà Đào Thị Phương Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Long An, nói: “Quy hoạch đã công bố cho dân rồi thì cứ thế mà thực hiện. Còn sau này có thay đổi quy hoạch ra sao thì tới nay chưa ai biết”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phụng, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn lại tỏ ra lo ngại về quy hoạch 21.000ha khu vực xung quanh sân bay công bố nay mai sẽ chồng lên quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phê duyệt. Ông Phụng cho biết: “Ngoài 2.000ha nằm trong quy hoạch sân bay, hơn 600ha dành cho các khu tái định cư, nghe đâu tỉnh lại quy hoạch lấy hơn 2.000ha nữa cho khu vực xung quanh sân bay. Quy hoạch chồng quy hoạch thế này rất khó cho địa phương trong công tác quản lý đất đai hiện nay”.

Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến giờ phút này chưa ai chắc sẽ được thẩm định, điều chỉnh, phê duyệt ra sao. Nhưng cách làm “đi tắt, đón đầu” của tỉnh Đồng Nai xung quanh dự án “thủ phủ hàng không” Long Thành sẽ có những hệ lụy không thể lường hết được. Trong trường hợp, dự án sân bay Long Thành không được Quốc hội thông qua, hoặc nếu được thông qua nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh lớn so với các đồ án quy hoạch hiện nay, sự lãng phí đầu tư và những đảo lộn quy hoạch cho cả khu vực là điều khó tránh khỏi đối với tỉnh Đồng Nai.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP