Cung thiếu, thép Trung Quốc tràn về

Cập nhật 17/02/2008 09:00

Giới kinh doanh thép xây dựng tại TPHCM cho biết, do giá thép trong nước tăng cao nên từ trước Tết, nguồn thép Trung Quốc (TQ) đã được nhập về khá nhiều. Tại các cảng ở TPHCM, thép TQ nhập về chất đống với số lượng lên đến cả 100.000 tấn.

Mỗi tháng, nhập 60.000 tấn thép TQ

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cũng cho biết mỗi tháng, thép TQ nhập về khoảng 60.000 tấn, chủ yếu là thép cuộn, trong đó có khoảng 10.000 tấn là thép cây. Với giá bán trên thị trường rẻ hơn hàng trong nước từ 300.000 đồng- 400.000 đồng/tấn nên sức tiêu thụ rất mạnh.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Hải quan TPHCM, tại các cảng thuộc hệ thống cảng biển TPHCM chỉ trong 2 ngày 12 và 13-2 đã có 5 chuyến tàu chở thép nhập khẩu các loại cập cảng với số lượng lên đến trên 10.000 tấn. Chỉ riêng cảng Bến Nghé đã làm thủ tục cho 17 lô hàng thép nhập khẩu, với hơn 7.500 tấn, trong đó có gần 3.000 tấn thép cuộn.

Tính từ đầu năm 2008 đến nay, chỉ riêng cảng Bến Nghé, lượng thép nhập khẩu lên đến 310.000 tấn thép các loại, trong đó thép TQ chiếm trên 50%. Theo Hải quan TPHCM, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu thép đều khai là thép cuộn cán nóng không hợp kim.

Loại này được nhập về để cán kéo làm lưới B40, dây kẽm gai, que hàn, nhưng trên thực tế được tung ra thị trường để bán cho ngành xây dựng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1-2008, cả nước đã nhập 190.000 tấn phôi thép, 620.000 tấn thép các loại, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Một nguyên nhân khác dẫn đến thép thành phẩm từ TQ nhập về nhiều là từ đầu năm 2008, TQ đã điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25%, thành phẩm từ 10% lên 15%. Nhập thép thành phẩm từ TQ sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với phôi thép (mức giá chênh lệch lên đến 65 USD - 70 USD/tấn).

 Thiếu hàng vì tích trữ

Giải thích hiện tượng thép TQ đang tràn vào nước ta với số lượng lớn, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cho biết do nhu cầu xây dựng tăng đột biến nên dù đã tăng công suất sản xuất tối đa, nhưng vẫn không đủ thép đáp ứng nhu cầu (thiếu hụt từ 15% - 20%)...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế giá thép trên thị trường hiện đang cao hơn khoảng 2 triệu đồng/tấn so với giá nhà máy xuất xưởng (đã bao gồm thuế), là do cầu “ảo”.

Bình thường, các công trình xây dựng chỉ dự trữ lượng thép theo tiến độ xây dựng, nhưng do giá thép gần đây tăng liên tục nên buộc họ phải vay vốn ngân hàng để mua dự trữ thép cho cả quý (thậm chí xa hơn) đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn hàng liên tục và giá thị trường lại bị đẩy lên cao. Theo đại diện của một doanh nghiệp sản xuất thép, hiện nay, nếu có thêm 3 nhà máy sản xuất thép nữa cũng không đủ hàng để bán.

Ông Trần Việt Trung (ngụ quận 5-TPHCM) cho biết từ trước Tết, ông đã liên hệ cửa hàng vật liệu xây dựng đặt mua thép để làm nhà nhưng các cửa hàng đều cho biết họ không có đủ chủng loại thép của một thương hiệu mà phải bổ sung hàng từ thương hiệu khác mới đủ.

Các cửa hàng sắt thép trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10 - TPHCM) vào thời điểm này cũng không đủ hàng để cung cấp số lượng lớn cho khách hàng. Nếu khách mua vài tấn thì có ngay, còn nhiều hơn thì phải đặt hàng trước cả tuần mới có.

 Ngày 15-2, giá thép 17 triệu đồng/tấn

Tại thị trường TPHCM, giá thép cuộn loại Ø 6, Ø 8 hiện là 17.000 đồng/kg, thép cây Ø 10 là 117.000 đồng/cây, Ø 12 là 159.000 đồng/cây, Ø14 là 212.000 đồng/cây, Ø 16 là 276.000 đồng/cây (đều tăng từ 7.000 đồng - 10.000 đồng/cây)...

Các đơn vị sản xuất thép cho biết: Vừa qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã nhập nguyên liệu phôi thép số lượng lớn với mức giá 745 USD/tấn, cao hơn 30 USD so với tháng trước. Giá thép bán ra của các nhà máy (đã có thuế) hiện nay chỉ khoảng 13,5 triệu - 14 triệu đồng/tấn (giá trên thị trường khoảng 16 triệu - 17 triệu đồng/tấn).

Tuy nhiên, giá phôi thép trên thị trường thế giới đang chào bán ở mức 770 USD/tấn, tiếp tục tăng thêm 25 USD/tấn so với giá đã được các doanh nghiệp ký mua trước đó. Vì vậy nếu tình hình cung ứng thép không được cải thiện (các chủ công trình vẫn đua nhau mua dự trữ) thì giá thép chắc chắn sẽ còn tăng cao.


Theo Kinh Tế Đô thị