'Con đường đau khổ' Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp trong 14 tháng

Cập nhật 19/03/2019 17:00

TP HCM chi ngân sách 473 tỷ đồng để sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước cho tuyến đường huyết mạch phía Đông.

UBND TP HCM vừa chấp thuận kế hoạch sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (dài gần 3,2 km, nối quận 1 và Bình Thạnh) theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải. Công trình được thi công trong khoảng 14 tháng, dự kiến từ tháng 6 năm nay đến tháng 8/2020.

Dự án sẽ nâng cao độ mặt đường, đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên, phù hợp với cao độ san nền quy hoạch... Phần vỉa hè sẽ lát gạch Terrazo.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 1 và Bình Thạnh - Ảnh: Quỳnh Trần

Đối với hệ thống thoát nước, đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến ranh dự án cầu Thủ Thiêm, được giữ nguyên hiện trạng. Miệng giếng thu sẽ được nâng cao, cải tạo lại cửa thu cho phù hợp với cao độ mặt đường và vỉa hè. Đoạn còn lại (từ cầu Thủ Thiêm đến chân cầu Sài Gòn) do hệ thống thoát nước đã hư hỏng nên sẽ làm mới đồng thời lấp, hủy các đoạn cống thoát nước cũ tránh lún sụp trong quá trình khai thác.

Tuyến đường sẽ có hệ thống cáp ngầm dưới vỉa hè (dây điện, cáp viễn thông, cấp nước); di dời một số cây xanh hiện hữu và bổ sung theo yêu cầu; sửa chữa một số vị trí hư hỏng như tường cách âm với Thảo Cầm Viên, cầu Thị Nghè 2, cầu Văn Thánh 2, cầu Thủ Thiêm...

Để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông và bảo đảm tiến độ, dự án sẽ chia thành nhiều mũi thi công đồng loạt, làm cuốn chiếu dứt điểm từng phân đoạn.

Trong đó, đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm sẽ thi công vào ban đêm (từ 22h đến 5h sáng hôm sau) trên một nửa mặt đường. Đoạn gần khu vực cầu Thủ Thiêm rào chắn một phần đường, hạn chế các loại xe lưu thông trong thời gian thi công; một số vị trí phải cấm xe để tháo dỡ đường cũ...

UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu công khai thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ, đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản biện của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật về phương án thoát nước của dự án.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh mùa mưa năm 2018 - Ảnh: Quỳnh Trần.

'Con đường đau khổ'

Thi công từ năm 1997 và khi đưa vào khai thác năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố, có tổng vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường này bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2. Để đảm bảo an toàn giao thông, tháng 10/2007, thành phố phải chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa cây cầu Văn Thánh 2.

Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án hầm chui, đường Nguyễn Hữu Cảnh còn gây ra lún, nứt hàng loạt nhà dân ven đường, ngân sách nhà nước phải bồi thường cho 57 hộ với khoảng 4 tỷ đồng.

Còn phần đường, ngay sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng lọt vào danh sách các điểm ngập nặng trên địa bàn thành phố - được gọi là "rốn ngập" hay "con đường đau khổ" từ nhiều năm nay. Nguyên nhân được cho là hàng loạt dự án bất động sản với hàng chục nghìn căn hộ san sát gây sụt lún mặt đường.

Để xử lý cấp bách tình trạng ngập, chính quyền TP HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tự bỏ tiền (hơn 100 tỷ đồng) đầu tư máy bơm công suất lên đến 97.000 m3 mỗi giờ.

Cuối năm ngoái, UBND TP HCM giao cho Trung tâm chống ngập tạm thanh toán tiền thuê dịch vụ bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) là hơn 9,8 tỷ đồng trong một năm, cho Công ty tập đoàn Quang Trung - chủ đầu tư máy bơm. Số tiền này được lấy từ nguồn kinh phí duy tu trung tâm đã được giao năm nay.

Lộ trình thay thế khi sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh:

Hướng từ trung tâm TP HCM đi cầu Sài Gòn: Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Cầu Thủ Thiêm - Lương Định Của - Trần Não - cầu Sài Gòn - Xa lộ Hà Nội; Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (hạn chế phương tiện) - cầu Sài Gòn - Xa lộ Hà Nội hoặc Khu trung tâm hành chính Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội.

Hướng từ cầu Sài Gòn vào trung tâm thành phố: cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - D1 - Nguyễn Hữu Cảnh (hạn chế phương tiện) - Tôn Đức Thắng; cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - Ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - khu trung tâm; Xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - cầu Thủ Thiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - Khu trung tâm hoặc Xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - hầm Thủ Thiêm - khu trung tâm.


DiaOcOnline.vn – Theo VNExpress