Sự tăng giá thép liên tục trong thời gian qua khiến cho cổ phiếu ngành thép được quan tâm hơn bên cạnh cổ phiếu bất động sản. Một số cổ phiếu của các Công ty thép được các nhà đầu tư tìm mua nhiều hơn, kể cả trên thị trường OTC và thị trường niêm yết.
Từ cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, thị trường được chứng kiến những "cú nhảy vọt" đầy ngoạn mục và bất ngờ đến chóng mặt của giá vật liệu xây dựng nói chung và giá thép nói riêng.
Sánh bước cùng cổ phiếu bất động sản
Cuối tháng 11/2007, Tổng công ty thép Việt Nam đã tăng giá bán thêm 100.000 đồng/tấn, nâng giá bán ra đối với thép cây là 10,6 triệu đồng/tấn, thép cuộn là 10,5 triệu đồng/tấn. Tiếp sau đó, các Công ty sản xuất và kinh doanh thép khác, đặc biệt là các Công ty tư nhân đều đồng loạt tăng giá lên mức 11.000 tới 11.200 đồng/kg chưa bao gồm 5% thuế GTGT. Tính chung giá thép trên thị trường đã tăng 400.000 đồng/tấn so với hồi đầu năm 2007.
Sang đầu năm 2008, do nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng nên giá bán thép vẫn tiếp tục leo thang. Dự báo trong những tháng tới, có khả năng giá quặng thế giới sẽ tăng thêm 30%, giá than cốc tăng 20% khiến cho giá phôi thép có thể lên tới 700 USD/tấn, và như vậy, giá thép trong nước sẽ chưa thể chấm dứt tình trạng tăng giá
Sự tăng giá thép liên tục trong thời gian qua khiến cho cổ phiếu ngành thép được quan tâm hơn. Một số cổ phiếu của các Công ty thép được các nhà đầu tư tìm mua nhiều hơn, kể cả trên thị trường OTC và thị trường niêm yết như: Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức, Công ty cổ phần thép Đình Vũ Hải Phòng, Công ty cổ phần thép Thép Việt, Công ty cổ phần thép Việt Ý...
Trên thị trường niêm yết hiện nay, nhóm cổ phiếu ngành thép gồm 3 mã tiêu biểu: HMC của Công ty cổ phần Kim khí Hồ Chí Minh, VIS của Công ty cổ phần thép Việt Ý và mã cổ phiếu ngành thép đầu tiên niêm yết trên HOSE là SMC của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại SMC. Trong số đó HMC và SMC chủ yếu tiến hành các hoạt động kinh doanh, gia công và phân phối các sản phẩm thép, còn VIS lại chuyên sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng.
Tăng trưởng ngoạn mục
Có thể thấy rằng đặc trưng lớn nhất của ngành thép là thuộc ngành công nghiệp nặng, dù có số vốn đầu tư và giá trị sản lượng rất lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu lại thấp hơn hẳn so với các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, đây lại là ngành có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và ổn định.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất thép cán được dự báo là 10%/năm và sản xuất phôi thép là 15%/năm trong giai đoạn từ 2005 tới 2010. Điển hình của sự tăng trưởng là mã cổ phiếu VIS của CTCP thép Việt Ý: bất chấp tình trạng làm ăn thua lỗ của nhiều DN sản xuất thép trong nước do giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, quý II/ 2007, VIS vẫn đạt 7,45 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với quý II/2006.
HMC cũng không chịu kém phần với mức doanh thu 7 tháng đầu năm 2007 đã đạt 69% kế hoạch doanh thu năm, bằng 150% so với 7 tháng đầu năm 2006. Riêng với SMC, lãi sau thuế trong 8 tháng đầu năm đã đạt 24,67 tỷ đồng cao hơn lợi nhuận cả năm 2006 tới 2 tỷ.
Như vậy, có thể thấy rằng đứng trước tác động tiêu cực của sự tăng giá các yếu tố đầu vào thì DN ngành thép vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhất định, trong đó, những DN hoạt động liên quan trực tiếp tới việc sản xuất thép sẽ chịu tác động từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào nhiều hơn. Đây có thể là một trong số các lý do thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư vào cổ phiếu ngành thép, thể hiện ở khối lượng giao dịch các cổ phiếu ngành này trong những tháng đầu năm 2008 có sự cải thiện đáng kể so với cuối năm 2007.
Rủi ro bởi phụ thuộc
Là một công cụ đầu tư, cổ phiếu luôn chứa đựng những rủi ro nhất định và cổ phiếu ngành thép cũng không nằm ngoài trong số đó, đặc biệt là những DN sản xuất thép. DN sản xuất thép có nguyên liệu chính là phôi thép chiếm tới 90% giá trị thành phẩm. Vậy mà Việt Nam hiện nay có tới hơn 60% lượng phôi thép phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng hơn 50%. Với tình trạng nhập khẩu như vậy, kết quả hoạt động của các DN thép Việt Nam sẽ bị phụ thuộc nhiều vào giá nguyên vật liệu đầu vào ngoại nhập mà xu hướng chung là đang ngày một tăng cao. Mặt khác, những hợp đồng nhập khẩu này sử dụng ngoại tệ trong thanh toán và thường có giá trị rất lớn.
Điều này đặt DN nhập khẩu Việt Nam trước những rủi ro về tỷ giá trong khi việc sử dụng các công cụ tài chính phòng ngừa của các DN còn rất hạn chế. Một điểm nữa cần phải nói tới, đó là nhu cầu vốn lưu động của các DN thép thường là rất lớn, vì vậy các DN này thường xuyên phải vay vốn ngân hàng. Do đó nếu lãi suất cho vay của ngân hàng tăng quá cao, các DN thép sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn trả số tiền lãi ngày càng lớn...
Như vậy, mặc dù ngành thép đứng trước nhiều khó khăn, nhưng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhanh và ổn định, cổ phiếu ngành này cũng sẽ tạo ra cho nhà đầu tư cơ hội làm gia tăng giá trị "quỹ đầu tư" của mình.
Nếu xét các chỉ tiêu về vốn điều lệ, về lợi nhuận sau thuế và một số chỉ tiêu khác thì cổ phiếu ngành thép không được liệt vào hàng "đại gia" so với nhiều DN khác đang niêm yết. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngành này.