Chủ đầu tư vẫn thờ ơ với vật liệu chống nóng

Cập nhật 09/07/2015 09:18

Không phải đến thời điểm này Việt Nam mới hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài, nhưng vấn đề vật liệu chống nóng lại ít được quan tâm.

Hà Nội đang đón đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua. Ảnh: Hoài Nam

Khi làm nhà hoặc xây dựng các công trình kiến trúc, thường gia chủ hoặc các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến kiến trúc, hình dáng bên ngoài mà “quên” mất nhiều yếu tố tạo không gian sống cho mình.

Kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP. HCM cho rằng, để tạo nên công trình đạt chuẩn kiến trúc xanh, kiến trúc sư phải thiết kế chuẩn từng chi tiết, không chỉ có bố cục, mà còn cả vật liệu. Thế nhưng, đối với nhà ở riêng lẻ, thì dùng vật liệu lại phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhà.

Thị trường vật liệu chống nóng hiện nay khá phong phú về chủng loại, giá cả và chất lượng, từ ngói lợp, đến gạch chống nóng, tấm cách nhiệt, túi nước cách nhiệt, trần thạch cao… Tuy nhiên, với các nhà riêng lẻ, người dân thường không mấy quan tâm đến công đoạn chống nóng.

Chị Hà - sống tại Hà Nội nêu quan điểm: “Nóng thì trừ nguyên tầng trên cùng không ở, có gì phải chọn vật liệu nọ, vật liệu kia cho mệt…”. Tuy nhiên, với những ngôi nhà có diện tích nhỏ, bao quanh bởi lớp bê tông và nằm trong ngõ nhỏ, thì những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong nhà có thể tăng lên từ 2 - 3 độ C. Ở những căn nhà này, các chuyên gia tư vấn nên sử dụng tấm ngăn cách nhiệt hoặc xốp bảo ôn. Đặc tính của loại vật liệu này là dễ sử dụng, thi công nhanh.

Loại vật liệu chống nóng phổ biến hiện nay là tôn mạ được dùng nhiều trong các công trình như chung cư, cao ốc, văn phòng. Dù vậy, trên thực tế, không nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản sử dụng vật liệu chống nóng cho công trình của mình. Đơn cử, tại 1 tòa chung cư tại TP. HCM do một chủ đầu tư tên tuổi thực hiện, dù mới chỉ bàn giao chưa đầy 1 năm, nhưng đã xảy ra sự cố nứt trần. Theo giải thích của chủ đầu tư, sự cố này là do chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa bên ngoài (60 - 80 độ C) so với nhiệt độ trong nhà (khoảng 40 độ C). Cách giải thích này để lộ việc chủ đầu tư không chống nóng cho công trình.

Không chỉ chủ đầu tư trên, tại địa bàn TP. HCM, dường như cụm từ “vật liệu chống nóng” quá xa lạ với nhiều chủ đầu tư khác. Nhiều công trình thiết kế sử dụng điều hòa tổng, nhưng chủ đầu tư vẫn không sử dụng vật liệu chống nóng để có thể tiết kiệm chi phí bảo trì và tiền điện.

Ông Phạm Huy Phong, Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM cho biết: “Trong cơ cấu tiêu thụ điện ở các tòa nhà công sở, trung tâm thương mại, hay khách sạn, thì máy lạnh chiếm đến 75,9%. Tuy nhiên hiện nay, nhiều chủ đầu tư, nhà thiết kế chưa quan tâm đến vấn đề tổn thất năng lượng từ vỏ bọc công trình, trong khi đây lại là tác nhân gây xâm nhập nhiệt lớn”.

Đại diện một cửa hàng chuyên bán vật liệu chống nóng tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. HCM, cho biết, khách hàng mua lẻ rất ít, thường cửa hàng bán trọn bộ giải pháp, từ sơn đến vật liệu cho tường, mái cho thợ, nhà thầu… Do nhu cầu ít, nên thị trường này có sức cạnh tranh cao. Để bán hàng tốt, cách các chủ cửa hàng lựa chọn là tăng chiết khấu cho thợ và nhà thầu.

Ngoài vật liệu chống nóng cho phần mái, còn có loại vật liệu chống nóng cho cả phần trong của công trình. Với các tòa nhà hiện đại thường sử dụng tấm phim cách nhiệt dán lên bề mặt của kính để giảm bức xạ nhiệt.

Nói đến vật liệu chống nóng, không thể thiếu sơn chống nóng. Nhiều nhà sản xuất lớn trước kia không mấy quan tâm đến mặt hàng này, nhưng đối với một đất nước mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa như Việt Nam và xu hướng trái đất ngày càng nóng dần, thì đây là sản phẩm có tiềm năng phát triển. Hiện trên thị trường có các nhãn hàng như Insulkute, Hitex, Insumax, Kova, Intex, Kenee… với cam kết của nhà sản xuất là giúp giảm từ 40 - 70% lượng nhiệt. Chẳng hạn sơn Intex cam kết giảm nhiệt độ dưới bề mặt mái tôn từ 12 - 26 độ C, giảm nhiệt độ môi trường trong nhà xưởng trước và sau sơn khoảng 3 - 5 độ C...

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản