Cho khai thác để bình ổn giá cát (!?)

Cập nhật 20/01/2018 09:10

Việc khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam, địa phương kiến nghị dừng nhưng tỉnh bảo cần cân nhắc lợi ích xã hội

Sau nhiều lần người dân "kêu cứu", tháng 8-2017, tuyến kè ven sông thôn Quảng Đại 1 (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mới được xây dựng có chiều dài gần 1 km với kinh phí 25 tỉ đồng. Dù vậy, họ vẫn chưa an tâm khi mỗi ngày nhìn ra sông lại thấy cảnh khai thác cát rầm rộ.

Bên xây kè, bên hút cát

Một điều nghịch lý là trong lúc bên này xây kè thì phía bên kia sông thuộc địa phận xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), chính quyền tỉnh Quảng Nam cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát trong nhiều năm liền. Ai đi qua cầu Giao Thủy mấy năm nay đều thấy khu vực giáp ranh xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) và một số khu vực xã Đại An, Đại Cường (huyện Đại Lộc) như một đại công trường với hàng chục xe tải, xe múc, tàu thuyền hoạt động liên tục trên bờ, dưới sông.


Bãi tập kết cát của các doanh nghiệp bên cầu Giao Thủy hoạt động rất sôi nổi

Một lãnh đạo UBND xã Đại Cường nói rằng việc hút cát bên kia sông sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, về lâu dài có nguy cơ làm chân kè bị trôi khi lòng sông bị đục khoét. "Chúng tôi sẽ kiến nghị huyện đề nghị tỉnh chỉ đạo chung cho 2 huyện về vấn đề này" - vị lãnh đạo xã nói.

Cách thôn Quảng Đại 1 khoảng 2 km, người dân thôn Giao Thủy (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) nhiều tháng nay gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì nỗi lo mất làng. Nhiều đoàn công tác của tỉnh, bộ về khảo sát nhưng nỗi bức xúc của người dân về việc khi nào xây kè thì chưa ai trả lời. Sạt lở nghiêm trọng trong những năm qua khiến bờ sông thôn Giao Thủy dịch chuyển nghiêm trọng, nhà dân hiện chỉ cách bờ sông chưa đầy 100 m.

Sạt lở đe dọa đời sống người dân là thế nhưng năm 2015, tỉnh Quảng Nam lại cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát trên sông Thu Bồn đoạn qua thôn Giao Thủy với diện tích 3 ha, thời gian khai thác đến tháng 12-2018. Tuy nhiên, dù còn hạn nhưng doanh nghiệp không thể khai thác cát do người dân phản đối quyết liệt. Mới đây, nhiều hộ dân ở thôn Đông Yên (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) cũng đồng loạt ký đơn yêu cầu cơ quan chức năng xem xét vì họ cho rằng hoạt động của 2 mỏ cát ở địa phương gây sạt lở, bồi lấp hàng chục hecta đất sản xuất.

Cấm, giá cát sẽ tăng gấp 3!

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 39 mỏ cát đang còn hạn khai thác, chủ yếu trên sông Vu Gia, Thu Bồn. Điều đáng nói, nguồn thu từ khai thác cát chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà tỉnh bỏ ra để chống sạt lở. Như ở huyện Đại Lộc, mỗi năm nguồn thu ngân sách từ 18 mỏ cát lớn, nhỏ chỉ khoảng 6 tỉ đồng trong khi chỉ làm chưa đầy 1 km bờ kè thôn Quảng Đại 1 đã tốn 25 tỉ đồng. Riêng bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), ngân sách trung ương và địa phương đã "ném" xuống ít nhất 140 tỉ đồng nhưng hiện sạt lở vẫn tiếp diễn.

Tại nhiều cuộc hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng thiếu hụt bùn cát là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Đó là hệ lụy của việc xây dựng hàng loạt thủy điện ở thượng nguồn và khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn. Các nhà khoa học nhiều lần đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam kiểm soát việc khai thác cát, thậm chí chấm dứt.

Tuy nhiên, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng dừng khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn là cực đoan, sẽ gây nhiều hệ lụy. Ông cho rằng hiệu quả mang lại không thể đánh giá trên số tiền thu được và bỏ ra. "Lợi ích xã hội còn ở các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ đường sá giao thông, dân sinh, nhà ở... đâu có quy ra tiền được. Nếu dừng khai thác, giá cát sẽ tăng gấp đôi, gấp 3. Hậu quả xã hội phải gánh không tính được, phải tính toán tất cả các giá trị mới ra được tổng thể lợi ích xã hội" - ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, quan điểm của tỉnh là cân bằng giữa việc khai thác cát phục vụ nhu cầu xây dựng và phương án khai thác thế nào để không quá mức, làm mất cân bằng lượng bùn cát gây sạt lở. Hiện Quảng Nam kiểm soát bằng cách không cấp mới và không cho mở rộng trữ lượng khai thác cát.

Kiểm tra cán bộ bảo kê cát tặc

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, mới đây đã ký văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi bảo kê, bao che, tiếp tay (nếu có) của cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong việc sử dụng, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
 

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ