Nội dung cuộc trò chuyện với ông Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng vấn đề điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng.
* Thưa ông, giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 14/4/2008 có gì mới so với việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và hợp đồng trọn gói tại Văn bản số 164/TTg-CN ngày 29/1/2008 của Chính phủ?
Sau hơn 1 tháng thực hiện Văn bản 164/TTg-CN ngày 29/1/2008 của Chính phủ về điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng trọn gói, Bộ Xây dựng nhận thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh hình thức hợp đồng xây dựng do giá vật liệu xây dựng luôn biến động.
Ngày 25/3/2008, Bộ Xây dựng có Văn bản số 518/BXD-KTTC và đến ngày 7/4/2008, Bộ Xây dựng có Văn bản 623/BXD-KTTC báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Ngày 14/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho phép điều chỉnh giá các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động giá từ năm 2007, bao gồm: xăng, dầu, sắt thép các loại, nhựa đường, xi măng, cát, đá, sỏi, gạch, dây điện các loại, gỗ các loại và kính các loại.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép điều chỉnh hình thức hợp đồng đối với gói thầu xây lắp lỡ áp dụng hình thức giá hợp đồng trọn gói và giá hợp đồng theo đơn giá cố định thành hợp đồng có điều chỉnh giá, trong điều kiện giá tăng đột biến ngoài khả năng kiểm soát được chủ đầu tư và nhà thầu.
* Thưa ông, việc điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng lần này dựa theo nguyên tắc cụ thể nào? Dự toán chi phí và tổng mức đầu tư sẽ được chủ đầu tư sẽ tính toán như thế nào?
Thứ nhất, việc điều chỉnh giá tiến hành song song với việc rà soát cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư chưa cần thiết nhằm thực hiện tốt chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ, để dồn vốn đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, có hiệu quả cao; đồng thời gắn với việc thương thảo giá giữa chủ đầu tư với nhà thầu nhằm thực hiện tốt chủ trương cùng chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước và doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, đối với điều chỉnh giá, chỉ điều chỉnh giá đối với nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu có biến động giá vượt quá phạm vi điều chỉnh đã thoả thuận trong hợp đồng. Việc điều chỉnh được áp dụng cho cả hình thức giá hợp đồng trọn gói và giá hợp đồng theo đơn giá cố định.
Thứ ba, đối với điều chỉnh hợp đồng, người quyết định đầu tư xem xét điều chỉnh hình thức hợp đồng trọn gói sang hình thức hợp đồng theo đơn giá, nhưng phải xác định rõ về nội dung, phạm vi điều chỉnh và chỉ được tính từ thời điểm có biến động giá. Cho phép chủ đầu tư xem xét và tính toán đầy đủ các khoản chi phí cần thiết trong dự toán chi phí xây dựng công trình bổ sung và tự chịu trách nhiệm.
Đồng thời, cho phép tạm ứng tiền bù chênh lệch giá theo mức tạm ứng của hợp đồng của khối lượng chưa thực hiện và tạm thanh toán 80 - 90% chênh lệch giá của khối lượng đã thực hiện trong khi chờ làm thủ tục điều chỉnh, tránh thiệt hại cho nhà thầu và không ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án.
Thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, tổng mức đầu tư và hợp đồng sẽ được giao trực tiếp cho chủ đầu tư quyết định. Cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án do giá vật liệu xây dựng biến động trong thời gian qua ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu đã thoả thuận trong hợp đồng như quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
* Phương pháp điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu, tổng mức đầu tư, hợp đồng sau khi đã lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung sẽ được thực hiện cụ thể ra sao, thưa ông?
Điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định trong hợp đồng thi công xây dựng công trình, từng gói thầu và cho cả dự án. Phần chi phí bổ sung do điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định bằng dự toán chi phí xây dựng bổ sung và là căn cứ để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu, điều chỉnh dự toán công trình và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Căn cứ vào nội dung từng hợp đồng cụ thể, dự toán chi phí xây dựng bổ sung có thể xác định bằng hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu hoặc bằng cách tính bù chi phí vật liệu trực tiếp. Dự toán này được lập một lần trên cơ sở những khối lượng xây lắp chịu ảnh hưởng tăng giá vật liệu thực hiện của năm 2007 và khối lượng còn lại của hợp đồng.
Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh được xác định bằng cách cộng dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt với các dự toán chi phí xây dựng bổ sung. Chủ đầu tư điều chỉnh giá gói thầu bằng cách cộng giá trúng thầu đã được phê duyệt với dự toán chi phí xây dựng bổ sung.
Đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước, giá gói thầu sau khi điều chỉnh vượt giá gói thầu đã được phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt và gửi kết quả báo cáo người quyết định đầu tư; nếu vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.