Chỉ tăng giá thép thì chưa đủ

Cập nhật 25/06/2008 11:00

Thị trường thép xây dựng tại TPHCM đã tăng giá đến 18 triệu đồng/tấn thép cuộn, gần bằng thời điểm “sốt” hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay. Hiệp hội thép Việt Nam đã đề nghị chính phủ cho tăng giá thép trong tình hình giá phôi thép thế giới tăng cao.

Tăng gần 2 triệu đồng/tấn

Theo các cửa hàng vật liệu xây dựng, nguyên nhân sắt thép đạt mức giá trên trước hết là vì giá phôi thép trên thế giới tăng cao, gần 1.200 USD/tấn và ảnh hưởng từ tỷ giá USD đang có nhiều biến động.

Tiếp đến giá thép trên thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng sau khi các đơn vị sản xuất tại TPHCM lần lượt tăng giá hơn 1.000 đồng/kg trong nửa tháng qua, khiến giá thép tại nhà máy đạt mức gần 17 triệu đồng/tấn.

Một số chủ dự án tại khu vực quận 12, Tân Bình, Thủ Đức… cho biết, những ngày cuối tuần trước và đầu tuần này, giá thép các loại giao tại công trình lên mức 18 - 18,5 triệu đồng/tấn tùy khu vực, tăng 1.500 - 2.500 đồng/kg so với đầu tháng 6.

Tại phía Bắc, giá thép có tăng nhưng vẫn thấp hơn phía Nam 1,2 - 1,35 triệu đồng/tấn. Như vậy so với thời điểm đầu tháng 3/2008, giá thép đã tăng tới gần 2 triệu đồng/tấn.

Riêng hai doanh nghiệp nhà nước khu vực phía Bắc và phía Nam là Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép miền Nam vẫn giữ nguyên giá bán kể từ tháng 4/2008 đến nay, trung bình 14,6 - 15,2 triệu đồng/tấn (thép cuộn), khoảng 14,9 - 15,1 triệu đồng/tấn (thép cây).

Tăng thuế để giảm sức ép cho thị trường

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, do yêu cầu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, các công ty thép Nhà nước vẫn giữ nguyên giá bán thép từ tháng 3 đến nay.

Tuy nhiên, do giá phôi nhập ngày càng đắt, đã vượt ngưỡng 1.100 USD/tấn, vượt xa so với mức 850 - 860 USD/tấn, một số công ty thép liên doanh và cổ phần tại miền Nam đã tăng dần giá bán, làm cho độ chênh lệch giữa giá bán thép của công ty Nhà nước so với các công ty này đã gần 2 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, đối với thép cuộn, thép Vinakyoe đã chênh lên 1,95 triệu đống/tấn, thép Pomina chênh lên 1,86 triệu đồng/tấn, thép Tây Đô chênh lên 560.000 đồng/tấn. Hiện nay, các công ty thép Nhà nước chỉ chiếm 35,12% thị phần thép toàn quốc

Bởi vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ cho phép tăng giá thép xây dựng sát với giá thị trường và khu vực. Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cho DN thép vay vốn để duy trì sản xuất bình thường; cho phép từng bước điều chỉnh giá bán thép theo lộ trình để tương đương với giá phôi nhập khẩu.

Đồng thời, nhằm ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép, giảm nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất trong các tháng tới, Bộ Tài chính đã ra văn bản điều chỉnh thuế xuất khẩu thép phế và phôi thép lên 10%, thay vì 0 - 5% như trước đây, áp dụng cho các tờ khai hải quan kể từ ngày 28/6.

Không khó để nhận ra rằng, do tác động của cả thị trường trong nước, trong đó có việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ, nâng lãi suất ngân hàng, rà soát lại các công trình đầu tư đã khiến nhiều dự án BĐS bị trì hoãn, từ đó khiến thị trường VLXD, trong đó có thép bị ảnh hưởng.

Vào thời điểm này, vấn đề tăng thuế xuất khẩu thép phế và phôi thép là việc cần thiết. Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh giá thép, nếu Chính phủ không có những giải pháp đồng bộ để có những tác động tích cực tới các dự án xây dựng BĐS trong nước, e rằng nguồn cung của thị trường thép vẫn sẽ trong trạng thái thừa của việc thiếu trong nay mai.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu phôi thép từ đầu năm đến nay đang ở mức báo động (hơn 100.000 tấn) chủ yếu xuất sang Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Trong số này có 26.000 tấn là thép tái xuất khi hàng chưa về tới cảng, còn lại là thép do doanh nghiệp đã nhập trước hoặc sản xuất ra rồi xuất khẩu. So với giá phôi thép chào bán từ Trung Quốc, Nga, giá phôi thép xuất khẩu từ Việt Nam rẻ hơn trung bình 50 - 80 USD/tấn (tùy thời điểm).



Theo Dân Trí