Chết theo địa ốc!

Cập nhật 15/08/2011 08:40

Thị trường bất động sản ảm đạm, không chỉ các công ty địa ốc lao đao mà nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí nội thất cũng đang điêu đứng.


Không riêng gì ngành sản xuất gạch ốp lát, mà hầu như tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành vật liệu xây dựng và trang trí nội thất nói chung đều đang điêu đứng vì sức mua của thị trường giảm sút. Mọi hy vọng về triển vọng sáng sủa hơn của thị trường trong nửa cuối của năm đã không diễn ra, mà trái lại tình hình còn có chiều hướng xấu hơn.

Tất cả đều giảm

Với năng lực sản xuất đến 400 triệu mét vuông sản phẩm mỗi năm, ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á, hơn nước đứng thứ nhì là Indonesia tới hơn 100 triệu mét vuông. Tuy nhiên, nếu xét vào sản lượng sản xuất và tiêu thụ thực tế, thì tình hình có thể sẽ khác. Trong bảy tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp ngành này chỉ sản xuất được hơn 120 triệu mét vuông sản phẩm. Sản lượng sản xuất như vậy là thấp hơn rất nhiều so với công suất, nhưng số tiêu thụ được còn tệ hại hơn.

Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm Sứ xây dựng Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ bán được khoảng 70-75% sản phẩm làm ra. "Thị trường địa ốc đóng băng, tín dụng dành cho bất động sản bị siết chặt và lãi vay cao ngất ngưởng, khiến cho nhu cầu xây dựng giảm sút mạnh, từ đó ảnh hưởng rất xấu đến ngành sản xuất gạch ốp lát", ông Huy nói.

Với ngành thép, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, sáu tháng đầu năm nay mức tiêu thụ thép xây dựng vẫn tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng bắt đầu từ tháng 4, sức mua đã giảm dần và cùng với nó là tồn kho cũng tăng dần. Trong tháng sáu, ngành thép sản xuất hơn 300.000 tấn thép xây dựng, nhưng chỉ bán được khoảng 270.000 tấn. Tháng 7, sản xuất hơn 400.000 tấn, nhưng mức tiêu thụ cũng chẳng khá hơn tháng trước.

"Đến nay, chỉ riêng tồn kho tại các nhà máy đã lên đến 420.000 tấn. Nếu kể cả hàng tồn ở các công ty thương mại, thì tổng cộng có thể đến 600.000 tấn", ông Cường cho biết.

Sức mua các loại vật liệu xây dựng và trang trí khác, từ xi măng, gạch xây, ống nhựa, thép tấm và thép ống cho đến sơn nước, tấm trần, sứ vệ sinh và đồ dùng nội thất... đều giảm sút mạnh, khiến cho các doanh nghiệp bị tồn kho rất lớn. Chỉ số tồn kho tính đến đầu tháng 7-2011 do Tổng cục Thống kê công bố, cho thấy gần như tất cả vật liệu xây dựng và trang trí nội thất đều có mức tồn kho tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tồn kho đồ gỗ nội thất tăng tới 92,4%, dây điện bọc cách điện tăng 73,5%, thép tấm 72% và các sản phẩm thép xây dựng, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, tấm trần... cũng có chỉ số tồn kho tăng từ 20% đến trên 40%.

Khó khăn chồng lên khó khăn


Sức mua của thị trường giảm, đương nhiên sản xuất phải bị thu hẹp. Theo ông Phạm Chí Cường, nhiều công ty trong ngành thép đến nay đã phải giảm kế hoạch sản xuất đến 30-40%. Doanh nghiệp ở các ngành hàng khác cũng thế. Sự suy giảm này tất yếu làm tăng giá thành sản phẩm, do chi phí khấu hao tăng. Nhưng áp lực chi phí đối với doanh nghiệp không chỉ có thế. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là những sản phẩm cơ bản như thép, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, gạch ngói... có đặc điểm chung là sử dụng nhiều năng lượng.

Vì vậy, giá điện, xăng dầu và sau đó là than đá tăng đã làm chi phí sản xuất tăng vọt. Những yếu tố trên, cộng với lãi vay ngân hàng cao ngất ngưởng và sức mua yếu của thị trường đang đẩy nhiều công ty vào bước đường cùng.

Từ tháng 3-2011 đến nay, các công ty sản xuất thép xây dựng đã ba lần hạ giá bán với mức giảm bình quân từ 850.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/tấn. Hiệp hội Thép dự báo, khả năng thép sẽ còn giảm giá nữa, vì nhiều doanh nghiệp đang muốn giải phóng hàng tồn kho để cắt lỗ. Nhưng "dù có giảm giá, lượng tiêu thụ cũng không tăng được vì với tình hình thị trường địa ốc ảm đạm như hiện nay, chẳng mấy ai dám mạo hiểm bỏ tền ra xây dựng", ông Phạm Chí Cường nói. Một số doanh nhân ngành thép cho rằng, với cuộc chiến giá cả như hiện nay, sắp tới đây có thể nhiều công ty thép không còn đủ sức để tồn tại.

Ngành sản xuất gạch ốp lát thậm chí còn có nhiều doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản hơn. Rất nhiều công ty, sau 2-3 năm thua lỗ liên tiếp, đã thâm lạm sâu vào vốn và gần như không còn lối thoát. Ngay những công ty lớn, do sức ép chi phí đầu vào tăng quá mạnh, nên dường như cũng không dám nghĩ đến một cuộc chiến về giá cả như ngành thép. Có lẽ vì thế mà trong tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp ngành này đã phải ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung cho đề xuất tăng giá bán thêm 5%, và cầu cứu Chính phủ đừng cho tăng giá bán than. "Còn với các doanh nghiệp xi măng, không tăng giá bán là đồng nghĩa đi dần vào con đường chết - tất cả cùng chết", giám đốc một công ty xi măng phân giải.

Dù sao, thép, xi măng hay gạch ốp lát... còn may mắn hơn ngành kính xây dựng, vì không chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Ngành này có năng lực sản xuất 120 triệu mét vuông, bảy tháng đầu năm nay chỉ sản xuất được 43 triệu mét vuông nhưng vẫn bị tồn kho. Ngoài khó khăn chung do sức mua của thị trường giảm, các doanh nghiệp kính đang bị áp lực rất lớn từ đối thủ cạnh tranh đến từ các nước trong khu vực.

Hiện nay, kính từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đang tràn vào Việt Nam, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn 15-20% so với sản phẩm sản xuất nội địa, ngành kính trong nước đang mất dần thị trường, một số doanh nghiệp đã giải thể, một số khác đóng cửa một phần cơ sở sản xuất.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG