Cắt giảm thuế nhập khẩu còn 0%: Thép nội kêu cứu

Cập nhật 12/09/2014 08:49

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang đối mặt với nguy cơ phá sản trước đề nghị Việt Nam miễn thuế nhập khẩu thép từ Nga ngay lập tức khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA) được ký kết, dự kiến vào cuối năm nay.

Thép Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Ảnh: Như Ý

50% DN thép Việt có thể phá sản

Theo đề xuất của Nga và Bộ Tài chính, thuế suất với nhóm ngành sắt thép sẽ về 0% ngay lập tức sau khi ký hiệp định (dự kiến năm 2015), chỉ một số có thuế suất giảm dần về 0% trong 5 năm. Nếu điều này được thông qua, ngành thép của Việt Nam đứng trước nguy cơ “sụp đổ” do không thể cạnh tranh với thép nhập khẩu.

Đặc biệt, từ năm 2018, hàng loạt thuế nhập khẩu sắt thép từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng sẽ cắt giảm theo các hiệp định FTA đã ký.

Trao đổi với PV, ông Trần Tuấn Dương, Tổng GĐ Tập đoàn Hòa Phát (đơn vị chiếm 18% thị phần thép xây dựng, khoảng 19% thị phần ống thép) cho biết: Trong 10 năm qua, ngành thép Việt Nam phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, sức cạnh tranh so với thép Nga - nước phát triển mạnh về ngành thép trên thế giới, thì ta còn non trẻ.

“Quá trình hội nhập chúng ta vẫn ký các hiệp định thương mại, tuy nhiên phía bạn yêu cầu ngay lập tức thuế về 0% thì gây sốc quá. Điều này có thể khiến 50% doanh nghiệp thép Việt Nam phá sản”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, việc đàm phán các FTA phải tính đến chênh lệch trình độ phát triển. Do đó, với các nước phát triển, Việt Nam cần giữ một mức thuế và có lộ trình nhất định. Nếu không ngành thép sẽ gặp khó khăn rất lớn. “Chúng tôi kiến nghị thuế suất có thể giảm về 0% sau 10 năm hiệp định có hiệu lực. Đây là khoảng thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị cạnh tranh với thép Nga”, ông Dương nói.

Có lộ trình để… tồn tại

Trong tháng 8 vừa qua, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã hai lần có văn bản đề nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương xem xét lại đề xuất cắt giảm thuế nhập khẩu sắt thép từ Nga, như đàm phán Hiệp định VCUFTA.

Chiều 8/9, Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng cho biết, cắt giảm thuế nhập khẩu thép từ Nga ngay lập tức cực kỳ nguy hiểm cho ngành thép trong nước. Ông phân tích, hiện sản lượng thép Nga đứng thứ 5 thế giới (khoảng gần 70 triệu tấn/năm), xuất khẩu đứng thứ 7 thế giới. Tuy không có công nghệ hiện đại nhất thế giới, nhưng ngành thép Nga có lợi thế lâu đời, giá cạnh tranh nhờ nguồn tài nguyên dồi dào như quặng sắt, nhiên liệu…

Trong khi đó, ngành thép Việt Nam mới phát triển, nguyên liệu hầu hết phải nhập khẩu (hoặc tái chế), nhiều nhà máy công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao… Tổng công suất các nhà máy thép Việt Nam hiện nay khoảng 20 triệu tấn/năm.

Trong đó, thép xây dựng khoảng 10 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ trong nước chỉ 5 triệu tấn/năm. “Nếu thuế nhập khẩu thép Nga về 0% vào năm 2015 (như đề xuất), ngành thép Việt Nam chắc chắn sẽ sập ngay”, ông Dũng nói.

Thép Việt Nam cũng đang cạnh tranh khốc liệt với thép Trung Quốc trên thị trường nội địa. Từ năm 2018, thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép Trung Quốc sẽ về 0% (theo Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc).

“Tham gia thị trường chung phải chấp nhận, nhưng chúng ta có thể dựng hàng rào kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của thép nhập. Đặc biệt với thép Trung Quốc, khi giá rẻ, chất lượng không đồng đều… như đã và đang xảy ra”, ông Dũng nói.

Để có thời gian cho thép nội chuẩn bị, VSA đã có văn bản kiến nghị các cơ quan nhà nước xem xét cẩn trọng đề xuất giảm thuế nhập khẩu sắt thép của Nga; trên cơ sở bảo hộ cho ngành thép trong nước phù hợp với lộ trình WTO (thuế nhập khẩu thép về 0% vào năm 2020).

“Thay vì đưa thuế suất về 0% vào năm 2015, chúng ta có thể đàm phán để có lộ trình giảm thuế từ mức 10-15% như hiện nay về 0% vào 5-10 năm tới. Đặc biệt với loại thép trong nước đã sản xuất được, như thép xây dựng thông thường, cán nguội, thép ống, cán lá…”, ông Hồ Nghĩa Dũng đề xuất.

Theo ông Dũng, trong hiệp định FTA có nhiều ngành nghề khác nhau, có ngành được lợi, có ngành bất lợi. Tuy nhiên, cơ quan đàm phán phải cân nhắc hy sinh lợi ích ngành nào, tới đâu… “Chúng tôi đồng ý trong giới hạn nhất định có hy sinh vì ngành khác, nhưng cần có lộ trình, thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị”, ông Dũng nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong