Cao tốc Bến Lức-Long Thành chậm tiến độ do vướng mặt bằng

Cập nhật 24/08/2018 13:09

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), vừa cho biết về tình hình tiến độ triển khai xây dựng cao tốc Bến Lức-Long Thành.

Theo ông Bình, đến nay các gói thầu phần vốn ADB phía Tây có tiến độ còn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng vướng mắc giải phóng mặt bằng vẫn đang là trở ngại lớn nhất đối với tiến độ theo kế hoạch thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2018.

Trong các gói thầu phần vốn ADB nói trên, vướng mắc nhiều nhất tập trung ở gói thầu A2-2 với 22 hộ trên tuyến chính và các nút giao trên địa bàn TP.HCM chưa di dời. Riêng gói thầu A4, khối lượng cần thực hiện còn rất nhiều nhưng nhà thầu chưa huy động đầy đủ thiết bị, nguyên nhân chính do trục trặc về phương án tài chính. Vì vậy, đến nay cả hai gói thầu A2-2 và A4 được xác định đang bị chậm tiến độ.


Nút giao giữa cao tốc Bến Lức-Long Thành với đường Nguyễn Văn Tạo trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: MP

Đối với các gói thầu phần vốn ADB phía Đông, việc bàn giao mặt bằng có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn vướng tại nhiều vị trí nên việc triển khai cũng chưa đạt tiến độ theo kế hoạch
đề ra.

Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU), cho biết tiến độ tổng thể dự án đến nay đã đạt 66,56% tổng giá trị các gói thầu đã triển khai. Về vướng mắc giải phóng mặt bằng, thời gian qua VEC đã cùng SEPMU, tư vấn giám sát nhà thầu làm việc với địa phương, rà soát thống kê các vị trí còn vướng mặt bằng để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài 57,7 km, trong đó đi qua địa phận tỉnh Long An gần 5,5 km, TP.HCM gần 25 km và tỉnh Đồng Nai hơn 27 km. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án là 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo kế hoạch dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.

DiaOcOnline.vn - Theo PLO