Chỉ 10 ngày sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007 - 2015, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kiến nghị Thủ tướng xem xét việc cấp phép quá nhiều cho các dự án FDI vào ngành thép trong thời gian qua.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam dự kiến năm 2010 đạt khoảng 10 - 11 triệu tấn và năm 2025 khoảng 24 - 25 triệu tấn. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, với quy hoạch này, trong khoảng 10 năm nữa Việt Nam chỉ cần xây dựng 1 - 2 liên hợp luyện thép.
Nhưng thực tế đã có khá nhiều dự án liên hợp đầu tư vào ngành thép (có quy mô 5 - 10 triệu tấn/năm) được công bố từ đầu năm đến nay. Chẳng hạn như dự án do Tập đoàn Tycoon Worldwide Group từ lãnh thổ Đài Loan (chiếm 60% vốn) liên doanh với Tập đoàn Jinan Steel and Iron Group của Trung Quốc (40% vốn) đặt tại Khu kinh tế Dung Quất, quy mô giai đoạn 1 là 2 triệu tấn/năm với công nghệ cổ điển lò cao - lò thổi ôxy. Vốn đầu tư cho dự án này khi được cấp phép ban đầu là 1,056 tỷ USD.
Tuy nhiên, Tập đoàn Jinan tuyên bố rút khỏi liên doanh, vì vậy Tycoon tuyên bố lập liên doanh mới với công ty E.United (cũng thuộc lãnh thổ Đài Loan) trong dự án mới với quy mô vốn đầu tư mới lên tới 1,8 tỷ USD. Tiếp theo là dự án nhà máy Liên hợp liên doanh giữa Tập đoàn Posco Hàn Quốc với Tập đoàn Vinashin, tổng đầu tư có thể lên tới trên 4 tỷ USD tại Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Dự án nhà máy thép Liên hợp liên doanh giữa Tập đoàn TATA Steel của Ấn Độ (chiếm 65% vốn) với Tổng Công ty Thép Việt Nam (góp 35% vốn còn lại) đặt tại Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh cũng có quy mô cỡ 3 tỷ USD.
Lớn hơn nữa là dự án nhà máy liên hợp liên doanh giữa Tập đoàn Lion Group của Malaysia với Vinashin tại tỉnh Ninh Thuận có quy mô 7,3 tỷ USD. Mới đây nhất là dự án nhà máy thép “cao cấp” 10 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD của Công ty FRRO China (Trung Quốc) dự kiến xây dựng ở Bà Rịa – Vũng Tàu, vừa được đối tác nước ngoài đặt vấn đề đầu tư với các cơ quan hữu trách và chính quyền địa phương.
Theo nhận định của VSA, làn sóng đầu tư trong ngành thép trỗi dậy trong thời gian qua có liên quan đến việc Việt Nam trở thành thành viên WTO. Ngoài ra, những cam kết của AFTA (khối mậu dịch tự do các nước ASEAN) có hiệu lực, tăng trưởng GDP ổn định ở mức cao nhiều năm và năm 2007 có thể đạt 8,5% là những lý do chính. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thép trong nội địa tăng nhanh, năm 2007 có thể đạt mức tăng trưởng tiêu thụ thép 20% so với năm 2006 và đạt con số 8,4 – 8,5 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, theo VSA với số lượng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhiều có quy mô lớn như vậy, nếu không có tính toán kỹ, ngành thép Việt Nam sẽ có khả năng rơi vào khủng hoảng thừa, một vấn đề mà cả thế giới đang gặp phải. Một bài học dễ nhận thấy là ở nước láng giềng Trung Quốc. Đây là quốc gia có tốc độ và số lượng dự án đầu tư vào sản xuất thép lớn nhất, với công suất khoảng 50 triệu tấn từ nay đến 2010.
Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất khác như hóa chất cũng đầu tư vào sản xuất thép một cách ào ạt, làm cho độ rủi ro tăng cao. Trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc đang chủ trương hạn chế tăng trưởng nóng trong ngành thép.
Theo Doanhnghiep24g