Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác lập quy hoạch ngành Thép của bộ Công Thương còn bất cập.
Cùng đó, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư của ngành Thép theo Quy hoạch được duyệt còn nhiều hạn chế. Việc kiểm tra các dự án đầu tư mới chưa thường xuyên, chưa được ngăn chặn kịp thời tình trạng cấp giấy phép tràn lan tại các địa phương, dẫn đến phá vỡ quy hoạch ngành thép...
Sau hai năm thực hiện quy hoạch ngành thép (từ 2007) đến hết 30/8/2009, có 65 dự án sản xuất gang, thép.
Trong đó: Trong quy hoạch có 17/23 dự án đang triển khai; 6 dự án dừng triển khai. Ngoài quy hoạch có 48 dự án, trong đó: 16 dự án đã có ý kiến thoả thuận của Bộ Công thương (có 6 dự án lớn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư); 32 dự án đã được các địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc ý kiến thoả thuận của Bộ Công Thương.
Một số dự án như: Dự án mở rộng giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tiến độ thực hiện chậm hơn 2 năm so với phê duyệt
Thanh tra Chính phủ cũng nhận định Bộ Công Thương chưa kịp thời đề xuất giải quyết việc thiếu sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đầu tư và Luật Xây dựng) về thẩm quyền chấp thuận và giấy chứng nhận đầu tư, cũng là nguyên nhân dẫn đến phá vỡ quy hoạch ngành thép.
Cụ thể: Tại khoản 5 Điều 37 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có quy định các dự án đầu tư về lĩnh vực luyện kim có vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng Việt Nam trở lên mà không nằm trong quy hoạch đã được duyệt thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chủ trì lấy ý kiến Bộ quản lý ngành và các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch hoặc quyết định mở cửa thị trường đầu tư. Song tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định: Đối với với dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch ngành thì trước khi lập dự án phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.
Do đó nếu các địa phương chỉ căn cứ Luật Đầu tư, không căn cứ theo Luật Xây dựng (hoặc bỏ qua) sẽ dẫn đến các địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án luyện kim có số vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng Việt Nam mà không xin ý kiến Bộ quản lý ngành là đúng quy định của Luật Đầu tư nhưng sai quy định theo Luật Xây dựng.
Trách nhiệm này còn thuộc về Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Xây dựng trong phối hợp hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, Thanh tra Chính phủ nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tổ Quốc