Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa bị báo chí phanh phui chất lượng thi công kém, vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện ổ gà, ổ voi, bong tróc mặt đường. Báo chí cũng chỉ ra rằng theo kết luận của đoàn thanh tra thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nhà thầu chính của dự án đã bán 100% giá trị gói thầu gần 1.400 tỉ đồng cho các nhà thầu phụ(1).
Tại sao một dự án lớn, đấu thầu quốc tế mà nhà thầu chính dễ dàng bán thầu cho các nhà thầu phụ không có năng lực dẫn đến chất lượng công trình kém như vậy? Vai trò của chủ đầu tư và tư vấn giám sát ở đâu mà nhà thầu chính có thể lộng hành, đưa nhà thầu phụ không có tên trong danh sách phê duyệt vào tham gia thi công?
Quy định pháp luật rất chặt chẽ
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nguồn: Báo Quảng Ngãi
Luật Đấu thầu năm 2013 và Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp đã hướng dẫn rất cụ thể việc sử dụng thầu phụ. Theo đó, nhà thầu chính khi chào thầu phải đệ trình danh sách thầu phụ (Sub-contractors/Vendors List) dự kiến sử dụng, giá trị, khối lượng công việc nhà thầu phụ dự kiến thực hiện. Danh sách nhà thầu phụ này sẽ đưa vào hợp đồng nếu nhà thầu chính trúng thầu. Nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ khác ngoài danh sách thầu phụ được phê duyệt nếu không được chủ đầu tư và tư vấn giám sát đồng ý bằng văn bản. Ngay cả nếu được chủ đầu tư và tư vấn giám sát đồng ý thì nhà thầu chính cũng không được chuyển nhượng quá 10% giá trị hợp đồng gói thầu đã ký hoặc chuyển nhượng dưới 10% giá trị gói thầu nhưng giá trị chuyển nhượng trên 50 tỉ đồng (ngoài khối lượng công việc của các nhà thầu phụ đã được phê duyệt).
Khoản 8, điều 89, Luật Đấu thầu cũng quy định rõ: việc nhà thầu chính hoặc chủ đầu tư, tư vấn giám sát cho phép nhà thầu chính chuyển nhượng trên 10% giá trị hợp đồng là hành vi vi phạm Luật Đấu thầu và được xem là hành vi chuyển nhượng thầu hay nói cách khác là bán thầu. Hành vi chuyển nhượng thầu này nếu phát hiện sẽ bị chế tài theo điều 121 và 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Như vậy có thể thấy pháp luật hiện hành đã quy định khá rõ và chặt chẽ việc lập danh sách thầu phụ, đánh giá năng lực thầu phụ, việc được chuyển nhượng và không được chuyển nhượng giá trị hợp đồng của nhà thầu chính và các chế tài xử lý vi phạm. Tuy nhiên, đáng buồn và đáng ngạc nhiên là tại sao pháp luật quy định chặt chẽ như vậy mà một dự án tầm cỡ quốc gia như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại để xảy ra tình trạng bán 100% giá trị gói thầu cho các nhà thầu phụ?
Trách nhiệm chủ đầu tư ở đâu?
Nhiều trụ rào được nhà thầu thi công theo kiểu "tầm gửi" khi thân trụ không có móng. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
|
Chưa nói đến chuyện tiêu cực thì ở đây có thể thấy chủ đầu tư có trách nhiệm rất lớn trong việc để nhà thầu chính lộng hành việc mua thầu, bán thầu. Phần lớn các hồ sơ mời thầu đều quy định nhà thầu chính phải thực hiện phần lớn công việc trong gói thầu, cụ thể ít nhất nhà thầu chính phải thực hiện từ 50-70% giá trị gói thầu. Vậy thì làm sao nhà thầu chính có thể ung dung “tay không bắt giặc” - sử dụng 100% thầu phụ - trước một rừng giám sát của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát nếu không có sự tiếp tay của các cơ quan này? Chủ đầu tư đã làm hết trách nhiệm mình hay chưa khi để nhà thầu chính bán 100% giá trị gói thầu mà không có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn sai phạm này như ngừng việc thi công, thậm chí chấm dứt hợp đồng với nhà thầu chính để chọn nhà thầu khác. Có phải chủ đầu tư do áp lực về tiến độ dự án nên sẵn sàng nhắm mắt chấp nhận việc thay thầu phụ mặc dù biết thầu phụ đó không đủ năng lực?
Tư vấn giám sát với tư cách là người làm thuê cho chủ đầu tư đã kiểm tra, đánh giá không nghiêm túc dẫn đến tình trạng nhà thầu chính sử dụng các nhà thầu phụ kém năng lực, thi công ẩu.
Dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi xung quanh quá trình mời thầu. Có hay không việc tạo ra rào cản khiến các nhà thầu nhỏ trong nước không thể tham gia dự thầu? Để rồi, dự án rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài hoặc các nhà thầu lớn. Và cuối cùng, các nhà thầu này bán thầu lại cho các thầu phụ Việt Nam. Các rào cản có thể xem xét đó là đòi hỏi quá cao về năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện các công trình tương tự, năng lực trang thiết bị... Với các rào cản này, các doanh nghiệp nhỏ thường bị rớt từ vòng loại và buộc phải làm thuê cho các nhà thầu lớn hoặc các nhà thầu nước ngoài với giá rẻ mạt. Và đương nhiên, với giá rẻ đó thì không thể có chất lượng đường tốt được.
Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc
Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ, từ quá trình mời thầu, xét thầu, trao hợp đồng đến thực hiện hợp đồng... xem có sai sót, tiêu cực ở những khâu nào để xử lý các cá nhân và tập thể liên quan. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm ban quản lý dự án - người đại diện cho chủ đầu tư tại hiện trường và tư vấn giám sát - người làm thuê cho chủ đầu tư, trong việc không giám sát, chỉ đạo và xử lý kịp thời, cương quyết việc nhà thầu chính thuê thầu phụ ngoài danh sách được phê duyệt. Chưa thể kết luận việc bán thầu là nguyên nhân chính gây ra hư hỏng đường cao tốc sau khi đưa vào khai thác, tuy nhiên, riêng hành vi đó đã vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu và phải bị xử lý theo các điều 121, 122 Nghị định 63/2014-NĐ-CP.
Đối với nhà thầu chính, cần phải kiên quyết cấm tham gia dự thầu các dự án do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức trong vòng từ 1-3 năm theo quy định để làm gương cho các nhà thầu khác.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG