Giá thép tại Ấn Độ khó có khả năng giảm hơn nữa bất chấp nhu cầu giảm và kinh tế tăng trưởng chậm lại. Theo các nhà phân tích, lợi nhuận của hầu hết các công ty thép ở nước này đã ở mức thấp nhất và chắc chắn không thể giảm giá trong khi giá nguyên liệu thô không giảm.
Ông S K Roongta - chủ tịch công ty thép SAIL cho biết “sẽ không có công ty nào có lợi nhuận từ việc bán sản phẩm thép ở giá thấp. Giá chỉ có thể giảm khi mà hợp đồng dài hạn than cốc và quặng sắt giảm. Nhưng trong thực tế thì giá hợp đồng dài hạn các nguyên liệu thô này vẫn ở mức cao”.
Ông Roongta nói thêm, giá than luyện cốc nếu giảm xuống dưới 100 USD/tấn, vào khoảng 80 USD, thì các công ty thép mới có thể hạ giá. Tuy nhiên, hiện giá nguyên liệu này giao ngay đang ở quanh mức 160 USD/tấn và các hợp đồng dài hạn là 100 USD/tấn.
Giá thép tại Ấn Độ đã giảm khoảng 40% kể từ tháng 9/08. Giá cả hai loại là thép xây dựng và thép tấm dùng trong công nghiệp hiện ở dưới 30.000 Rs/tấn, so với mức cao kỷ lục 50.000 Rs/tấn đầu năm ngoái. Nhiều nhà sản xuất cho rằng, giá thép của họ đã xuống đến mức đáy.
Tại thị trường Việt Nam, giá thép bán tại nhà máy đã tăng thêm 500.000 đồng/tấn, dẫn đến giá thép bán lẻ trên thị trương dao động từ 13,3-13,5 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế VAT). Theo tính toán của Bộ Công thương, ngoài mức tăng 500.000 đồng/tấn từ nhà máy, người tiêu dùng phải trả thêm 587.000 đồng/tấn thép do mức tăng thuế VAT từ 5 lên 10% áp dụng từ 1/1/2009.
Điều này sẽ không có lợi cho việc phục hồi sản xuất ngành thép trong nước, mặc dù mặt hàng này sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới. Bộ cũng cho biết, giá thép của Trung Quốc chào bán vào Việt Nam ở mức trung bình khoảng 4.300 NDT/tấn (tương đương 10,9 triệu đồng/tấn), thấp hơn giá thép nội địa.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp