"Với các công trình xây dựng hiện nay, tiến độ cũng là một yêu cầu nhưng không vì thế mà phải cố chạy đua bởi đảm bảo an toàn lao động và chất lượng công trình mới là yếu tố quan trọng hàng đầu".
Đây là yêu cầu của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng trong chuyến kiểm tra thực tế tại hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang ngày 3/9.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, n gay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã kịp thời công bố Thông tư 10/2013/TT-BXD để quy định chi tiết một số nội dung về công tác quản lý này.
Điểm đổi mới rõ nhất là trước đây, các công đoạn nghiệm thu đều do chủ đầu tư tiến hành và cơ quan Nhà nước chỉ tham gia khi xảy ra sự cố thì nay các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng sẽ tham gia suốt quá trình diễn ra hoạt động đầu tư xây dựng.
Cụ thể là các khâu thiết kế, thi công, thẩm tra về an toàn công trình... Được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng có thẩm quyền là ngành xây dựng, công trình sẽ được bảo đảm an toàn, chất lượng, tránh thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục ban hành chỉ thị rất cụ thể về các biện pháp để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, nhằm hạn chế tối đa sự cố.
Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã khảo sát thực tế hiện trường tại công trình thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội - Bắc Ninh và Thái Nguyên với tổng chiều dài toàn tuyến là 61,3km và có tổng mức đầu tư là 8.104,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của JICA là 6.039,1 tỷ đồng và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.011,3 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp chính và các gói thầu cung cấp thiết bị duy tu, bảo dưỡng, xây dựng trạm thu phí, nhà điều hành, hệ thống điều khiển giao thông thông minh.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, chủ đầu tư chủ động thay thế một số nhà thầu thi công nên đã đẩy nhanh tiến độ và có tiến bộ hơn trong công tác quản lý chất lượng.
Tư vấn giám sát đã sâu sát hơn trong việc kiểm soát chất lượng các công việc từ kiểm tra vật liệu đầu vào đến bước thi công xây dựng; đã chỉ rõ các sai phạm của các nhà thầu, thậm trí từ chối nghiệm thu các công việc không đảm bảo chất lượng yêu cầu thiết kế.
Tuy nhiên, Hội đồng Nghiệm thu cũng lưu ý công tác thi công đắp nền phải đảm bảo kỹ thuật; tránh tình trạng để khoảng thời gian chờ thi công giữa lớp subbase và lớp base quá dài dẫn đến rủi ro về chất lượng do ảnh hưởng của thời tiết. Đáng chú ý, do không có đường công vụ nên xe chở vật liệu chạy trực tiếp trên bề mặt các lớp base, subbase đang thi công làm bẩn bề mặt, nếu không được làm sạch trước khi thi công lớp tiếp theo sẽ có tiểm ẩn rủi ro về chất lượng - Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cảnh báo.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải khắc phục các nhược điểm theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Cùng với việc đảm bảo tiến độ thì chất lượng phải tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Nếu đưa vào sử dụng mà chất lượng công trình xuống cấp nhanh thì chi phí sửa chữa còn tốn kém hơn nhiều, mà còn gây lãng phí.
Tại Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên), đoàn công tác đã kiển tra công trình thi công Tổ hợp Công nghệ cao Samsung. Giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Yên Bình có quy mô diện tích 200 ha hiện đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và đang hoàn thiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, Tập đoàn Samsung đã ký kết hợp đồng thuê 112 ha đất để đầu tư Dự án Tổ hợp Công nghệ cao Samsung. Tập đoàn này còn đăng ký thuê thêm 70 ha để phục vụ cho kế hoạch mở rộng dự án trong tương lai với mục tiêu lập “cứ điểm sản xuất toàn cầu” của Tập đoàn tại Việt Nam.
Tại tổ hợp này, Samsung đã xây dựng Nhà máy SEVT sản xuất và lắp ráp điện thoại di động với số vốn đầu tư ban đầu 2 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành đi vào hoạt động vào tháng 12 tới. Cùng đó là nhà máy SEMCO sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp có vốn đầu tư 1,25 tỷ USD sẽ khởi công trong tháng 9 và hoàn thành vào tháng 5/2014...
Làm việc với Ban quản lý dự án, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định: Đây là công trình khu công nghiệp lớn nên sẽ thu hút lực lượng công nhân lao động đông. Bởi vậy, việc đảm bảo đời sống cho người lao động là rất cần thiết, nhất là vấn đề nhà ở để giữ chân nguồn nhân lực lâu dài phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Chủ đầu tư, doanh nghiệp sử dụng lao động và cả chính quyền địa phương cần phối hợp, có cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở cho công nhân nói chung và các hộ gia đình công nhân nói riêng; tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động trong khu công nghiệp.
Cùng ngày, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra hiện trường công trình chi cục thuế huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang - công trình vừa bị sự cố sập mái khi đang thi công khiến 2 người chết và 1 người bị thương hôm 30/8. Bộ trưởng khẳng định biện pháp thi công không đảm bảo kỹ thuật.
Bởi vậy, chỉ cần một lực tác động đến các cột chống là có thể gây đổ liên hoàn giàn giáo và các cột chống khác, nhất là khi vừa đổ bê tông xong. Tại công trình này, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan Sở Xây dựng Bắc Giang vào cuộc, nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân gây sự cố để có hướng xử lý; cần giao cho cơ quan chuyên môn, cụ thể là Sở Xây dựng Bắc Giang kiểm tra toàn diện công trình này về mọi mặt, từ hồ sơ thiết kế...
Đây cũng là bài học chung về công tác quản lý và giám sát biện pháp thi công cho tất cả các công trình xây dựng khác, nhất là tại địa bàn tỉnh Bắc Giang không thể để lặp lại tình trạng này. Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu và soạn thảo Chỉ thị tăng cường công tác lập, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các công trình phụ trợ trong thi công xây dựng để nâng cao chất lượng công trình và giảm thiểu xảy ra các sự cố đáng tiếc.
DiaOcOnline.vn - Theo Tầm nhìn