Tranh chấp đất đai phải đến cơ quan nào để giải quyết?

Cập nhật 04/03/2016 08:51

Kính gửi: Café Luật!

Kính mong Café luật tư vấn giúp tôi:

Ba mẹ tôi là cán bộ nhà nước, năm 1988 đã được đã được Ban giám đốc bệnh viện ký giấy cho ba mẹ tôi và nhiều nhân viên khác nhận phần đất còn dư của bệnh viện (khi đã xây dựng bệnh viện xong) để ở và được Ủy Ban Nhân Dân ký giấy xác nhận và được cấp sổ chủ quyền. Xin nói thêm phần đất còn dư lại của bệnh viện là phần đất rẩy, khai phá hoang của một người và đã được bệnh viện mua lại có giấy tờ chứng nhận (thuộc quyền quản lý của bệnh viện).

Ba mẹ tôi đã chuyển một phần mục đích sử dụng đất nhà ở và đã xây dựng nhà từ năm 1989 ở cho đến nay, phần đất còn lại là đất vườn, được cấp sổ chủ quyền sử dụng đất và nhà ở. Tiếp đó là khoảng đất trồng bạch đàn giáp ranh hàng rào bệnh viện đứng tên ba tôi đã ghi trong sổ địa chính được gia đình tôi sử dụng và quản lý từ năm 1988 đến nay. Vì đường nâng cấp, nhà gia đình tôi bị trũng sâu so với mặt đường nên ba mẹ tôi phải đổ đất nâng cao mặt bằng để khắc phục tình trạng ngập nước trong mùa mưa. Về việc đổ đất đã gặp khó khăn mặc dù đã làm đơn xin phép Ủy ban nhân dân. Lý do Ủy ban nhân dân không chấp nhận vì là đất còn tranh chấp. Người chủ rẫy cũ nhiều lần gây khó khăn với gia đình tôi người đó khẳng định phần đất còn lại (rừng bạch đàn giáp ranh bệnh viện) là của người đó. Như vậy, tôi muốn hỏi: Ba mẹ tôi phải đến cơ quan nào để nhờ giải quyết nhằm kết thúc việc tranh chấp này. Gia đình tôi muốn xin cấp quyền sử dụng khoảng đất rừng bạch đàn đó có được không? Và xin ở cơ quan nào? Nếu như việc tranh chấp không kết thúc như vậy làm cách nào để xin lại phần đất đó.

Kính mong anh/chị sớm hồi đáp thắc mắc, cảm ơn!

Kính gửi Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vnCông ty luật TNHH Đức An xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Theo thông tin bạn trình bày thì mảnh đất có rừng bạch đàn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đất đang tranh chấp. Luật Đất Đai 2013 tại điều 202 . Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Như vậy, theo quy định trên thì phần rừng đất bạch đàn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì vậy bạn có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện hoặc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Trước khi nộp đơn tại Tòa án bạn phải đề nghị hòa giải tại UBND xã phường. Khi có quyết định hoặc bản án về phân định quyền sử dụng đất thì bạn có thể đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 

***

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn.

* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.

Trân trọng. Chuyên mục Café Luật
 

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn