Giải quyết đền bù trên đất có tranh chấp

Cập nhật 05/01/2011 15:30

Câu hỏi:

Năm 1995 tôi có hùn chung với người anh ruột mua một miếng đất ở xã Bình Sơn, Long Thành, Đồng Nai có diện tích 30x60, mỗi người một nửa và tôi để anh trai tôi đứng tên sổ đỏ.

Đến năm 1997 tôi có bán thiếu phần của tôi cho một người cháu ruột, sau đó tôi có ký giấy tay cho người cháu đó cho phép xây dựng một căn nhà cấp 4.

Từ đó đến nay người cháu đó không trả cho tôi một đồng nào hết và người cháu đó đã chạy được hộ khẩu. Sổ đỏ anh tôi vẫn đứng tên và anh tôi vẫn đóng thuế hàng năm. Cho tôi hỏi, có cách nào tôi có thể lấy lại được miếng đất trên không, tôi không muốn ra tòa (mất lòng với bà con).

Miếng đất đó hiện nay nằm hoàn toàn nằm trong khu vực bị giải tỏa của dự án sân bay Long Thành, vậy khi có quyết định thu hồi đất, tôi có được đền bù phần đất của tôi không, còn ngôi nhà do người cháu xây có được đền bù hay không và ai hưởng phần nhà đó (đất của tôi không có thổ cư). Xin tư vấn giúp tôi!

Xin chân thành cảm ơn![mailto:quynp83@yahoo.com]


Công ty Luật Thiên Bình trả lời:

Về nguyên tắc, để được Nhà nước đền bù khi thu hồi đất thì bạn phải là chủ sở hữu hợp pháp. Theo đó, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất là chứng cứ pháp lý quan trọng nhất để bảo đảm quyền lợi của bạn (khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, 10 và 11 Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP và các điều 44, 45 và 46 Nghị định 84/2007/NĐ-CP).

Căn cứ vào quy định nói trên và nội dung thư bạn gửi, chúng tôi thấy rằng mảnh đất trên là do anh bạn đứng tên trong sổ đỏ, vì vậy anh bạn sẽ là người được Nhà nước đền bù khi thu hồi đất.

Đối với nhà được tạo dựng trên đất, Nhà nước bồi thường theo nguyên tắc chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất mà bị thiệt hại, thì được bồi thường; với nhà được xây dựng từ trước thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì dù xây dựng trái với mục đích sử dụng đất đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì vẫn được xét duyệt bồi thường (điều 18 Nghị định 197/2004/NĐ-CP).

Đối với giao dịch đã thực hiện với người cháu của bạn thì bạn phải xem xét tình trạng pháp lý của căn nhà trên:

1. Nếu đất và nhà đó đã được người cháu hợp thức hóa thì Nhà nước sẽ công nhận quyền sở hữu cho cháu bạn, bạn chỉ có thể đòi lại đất hoặc tiền bán đất khi bạn tiến hành thủ tục khởi kiện tại cơ quan Tòa án.

2. Nếu căn nhà đó vẫn chưa được hợp thức hóa, thì giao dịch giữa bạn và người cháu đó sẽ không được pháp luật công nhận vì trên giấy tờ anh trai bạn mới là chủ sở hữu hợp pháp.

Trong cả 2 trường hợp nói trên, để giải quyết vụ việc bạn cần phải có chứng cứ chứng minh quyền sở hữu của mình đã bị xâm phạm, hoặc cháu bạn đã vi phạm nghĩa vụ trả tiền thanh toán, hoặc giao dịch giữa các bên không đảm bảo các điều kiện của pháp luật… thì lúc đó cơ quan Tòa án mới xem xét thụ lý và giải quyết vụ việc.

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.

 

DiaOcOnline.vn