“Thuốc bổ” tín dụng: Nửa mừng, nửa lo!

Cập nhật 04/05/2013 14:33

Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm đang được ví như “liều thuốc” kích cầu, mở ra hi vọng cho người dân có cơ hội sở hữu nhà ở khi được vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại về điều kiện vay vốn, thời hạn vay…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những băn khoăn...

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố Dự thảo Thông tư quy định về vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ khiến nhiều người dân chưa có nhà ở vừa mừng vừa lo. Mừng vì “cửa” vay vốn ưu đãi đã mở với mức lãi suất 6% trong vòng 3 năm (đến thời điểm 15/4/2016) để mua nhà ở xã hội. Sau thời điểm nói trên khách hàng tiếp tục được hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ theo công bố của NHNN. Tuy nhiên, nhiều người dân tỏ ra lo lắng về mức lãi suất sau 3 năm sẽ như thế nào, việc quy định đối tượng và điều kiện được vay thuê, thuê mua nhà thì vẫn bó hẹp.

Đánh giá về hiệu quả của gói hỗ trợ tín dụng quý giá trên, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng, để dòng tín dụng và các ưu đãi đến được đúng địa chỉ, không bị chi phối, cần cụ thể hóa các tiêu chí, điều kiện các đối tượng, thủ tục, cơ cấu và quy mô cho vay ưu đãi. Bên cạnh đó, mức lãi suất với các khoản vay dài hạn sau 3 năm hiện chưa xác lập rõ ràng khiến nhiều người dân băn khoăn về mức lãi suất sau đó sẽ là bao nhiêu?. Liệu có bị thả nổi theo thị trường khiến người vay mua nhà phải bán tháo, vì không đủ tiền để trả lãi và phát sinh các tranh chấp hay không?.

Để người dân yên tâm và tin tưởng vay vốn, cần chọn phương án rõ ràng hơn, hoặc duy trì lãi suất 6% trong tối thiểu 10 năm, hoặc lãi suất 6% trong 3 năm đầu, sau đó điều chỉnh nhưng ở mức bằng 50% so với lãi vay thương mại trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
 

Trả lời báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thẳng thắn, cần cho người dân vay vốn đó để mua nhà, chứ vay để thuê nhà thì không có ý nghĩa lắm. Ngoài ra, việc không xác định rõ tỷ lệ giữa doanh nghiệp và người dân vay là thiếu sự điều tiết và có thể dẫn đến việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích.

“Lãi suất ưu đãi 6% trong 3 năm đầu đang khiến người dân lo lắng vì thời hạn vay thường lên tới 10 năm, vậy 7 năm sau đó ai biết lãi suất sẽ lên mức nào? Như vậy người vay không chủ động trong việc tính nguồn trả nợ”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam hoài nghi.

Chờ giá và lãi suất giảm thêm!

Theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra là rất tích cực đối với thị trường bất động sản (BĐS) trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, giá BĐS hiện nay vẫn ở mức quá cao, kể cả với những căn hộ dành cho người thu nhập thấp hoặc trung bình với giá bán dao động từ 10 - 15 triệu đồng/m2.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, với gói hỗ trợ vài chục nghìn tỷ đồng không thể tác động ngay đến thị trường BĐS nhưng là yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý người dân. Để người dân thực sự mua được nhà ở, ngoài việc ưu đãi lãi suất và hỗ trợ tín dụng thì các chủ đầu tư cũng chấp nhận cắt lỗ bằng cách giảm giá bán thêm nữa so với mức giá hiện nay…

Liên quan tới gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân vay mua nhà, tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn và triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với mức lãi suất ổn định ở mức thấp.


DiaOcOnline.vn - Theo Tài chính