Ngân hàng đánh vật với giới hạn tín dụng cuối năm

Cập nhật 15/12/2011 15:45

Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, trong tháng 10/2011, có 59 tổ chức tín dụng tăng trưởng âm so với tháng trước vì hết giới hạn.

Trong khi nhiều tổ chức tín dụng nhỏ hết dư địa tăng tín dụng thì nhiều ngân hàng thương mại lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, lại thừa.

Đang mùa cao điểm bơm vốn, có ý kiến cho rằng, thay vì cào bằng, Ngân hàng Nhà nước nên cân đối chỉ tiêu này giữa khối quốc doanh và cổ phần để giải quyết ách tắc cho một bộ phận tín dụng cuối năm.

Người thiếu, kẻ thừa

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, đến tháng 11/2011, tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng ước tăng 10%, Ngân hàng Nhà nước đang phấn đấu để cả năm tăng khoảng 12% - 13%. Và nếu kể cả những khoản đầu tư có bản chất tín dụng thì con số trên có thể lên tới 15% trong năm nay.

Tín dụng toàn ngành thấp xa so với chỉ tiêu “dưới 20%” tại Nghị quyết 11/CP đã làm cho các nhà quản lý kinh tế vĩ mô tạm yên tâm đối với việc kiềm chế lạm phát hiện nay, ít nhất là về mặt số học, do có nhiều lo ngại trước con số tổng mức tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã vượt quá 125% GDP.

Tuy nhiên, đi sâu vào bản chất bên trong, đang tồn tại một số bất cập: những đơn vị có quy mô tín dụng lớn (khối nhà nước) thì mức tăng tín dụng rất thấp, trong khi nhiều tổ chức tín dụng khác lại không thể tăng thêm do vượt quá chỉ tiêu 20% nói trên.

Thống kê từ một đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 10/2011, có 38/115 tổ chức tín dụng mức tăng tín dụng vượt 15% và 22 đơn vị trong số đó vượt 20%.

Không thể tăng tín dụng do đã vượt giới hạn nên trong tháng 10/2011, tình trạng tăng trưởng tín dụng sụt giảm, thậm chí âm, đã xảy ra ở nhiều đơn vị. Theo đó, trong tháng 10, cả nước có 59 đơn vị tăng trưởng tín dụng âm so với tháng 9/2011.

Một điểm đáng lưu ý là số tổ chức tín dụng cạn trần tín dụng tập trung chủ yếu vào các ngân hàng quy mô nhỏ, chẳng hạn Industrial and Commercial Bank of China, Hong Leong Việt Nam; Commonwealth Bank of Australia, BNP Bank, Standard Chartered Việt Nam.

Trước tình trạng này, rất nhiều đơn vị đã ngừng cho vay từ tháng mấy tháng trước đó. Lý do một phần vì giới hạn tăng trưởng tín dụng đã hết nhưng còn một lý do khác là họ phải lo đưa dư nợ phi sản xuất về 16% nên chỉ tập trung thu hồi các khoản nợ, cơ cấu lại dư nợ để giảm nợ xấu.

Xu hướng ngừng cho vay không chỉ tập trung ở các ngân hàng trong nước mà còn diễn ra ở các ngân hàng nước ngoài. Chẳng hạn, Standard Chartered Việt Nam ngừng cho vay đã nhiều tháng qua và hiện chỉ còn tập trung mảng kinh doanh dịch vụ, phát triển khách hàng tiền gửi, dịch vụ thanh toán…

Trong khi nhiều tổ chức tín dụng nhỏ hết dư địa tăng tín dụng thì nhiều ngân hàng thương mại lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, lại thừa. Đơn cử, hết tháng 10, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ đạt 1,74%. Còn với một ngân hàng thương mại nhà nước khác thì đến hết tháng 11/2011, chỉ tăng trên 15% nhưng một tỷ trọng khá lớn trong đó là nhờ vào việc ngân hàng này ký một loạt “thỏa thuận hợp tác song phương” với một số ngân hàng nhỏ đã hết giới hạn tăng trưởng tín dụng. Qua bản “hợp tác” đó, ngân hàng này đã cho vay đối với các dự án của ngân hàng nhỏ đã hết giới hạn.

Tìm hướng giải quyết


Trước thực tế này, một số ngân hàng thương mại trong nước thiếu “room” và thừa “room” đã tìm cách liên kết với nhau để tự giải quyết.

Cụ thể, những đơn vị quy mô nhỏ, hết “room” lại đang dở dang ký hợp đồng giải ngân vào các dự án lớn và bắt buộc phải tiếp tục cấp vốn mới để thu hồi vốn cũ, đã bắt tay với các ngân hàng dư “room” tín dụng để tận dụng lợi thế này.

Gần đây, có khá nhiều bản hợp tác giữa ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn, một mặt là để giúp nhau vượt qua khó khăn thanh khoản nhưng mặt khác là để phối hợp với nhau triển khai các dự án tài trợ, hợp vốn cho vay. Ước tính, con số này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, đối với một số ngân hàng nước ngoài lại tìm cách khác. Họ chuyển những dự án mà họ đang tài trợ sang cho các ngân hàng mẹ ở nước ngoài. Vì thế, về danh nghĩa, tín dụng của họ không phạm vào “giới hạn 20%” nhưng vốn vẫn được giải quyết, họ chỉ giữ vai trò giám sát dự án, quản lý và thu nợ giúp ngân hàng mẹ.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank, “không nên duy trì quá lâu trình trạng này mà nên mấp mô tín dụng giữa các đơn vị”. Theo đó, sẽ có những đơn vị chỉ tăng trưởng 5% - 10% nhưng có đơn vị tăng trưởng 30% - 35%.

Cách để “mấp mô”, như ông Hưởng nói, là nên bớt dư địa tăng tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước dành cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Bởi vì, 1% tăng tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước lớn bằng hàng chục phần trăm của các tổ chức tín dụng nhỏ khác. Làm như vậy cũng tránh rủi ro cho các ngân hàng thương mại lớn vì khi dư nợ của họ quá lớn, sẽ rất khó quản lý; còn những ngân hàng nhỏ, cân đối nguồn tốt thì nên cho họ tăng lên 30% - 35% là hợp lý.

Tất nhiên, muốn làm được như vậy cũng cần phải dựa trên các tiêu chí như kết quả hoạt động năm trước, quy mô vốn, khả năng cân đối nguồn, hệ số an toàn… Nói tóm lại, Ngân hàng Nhà nước phải là cơ quan điều phối chỉ tiêu từ thừa sang thiếu thì mới giải quyết được tình trạng này.

Theo một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, sang năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào thực lực từng ngân hàng để quy định giới hạn tăng trưởng tín dụng cho từng đơn vị. Qua đó, nhà quản lý sẽ công khai minh bạch “sức khỏe” từng tổ chức tín dụng để tránh kêu ca về việc được tăng nhiều hay tăng ít.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy