Vụ hôi bia: Tiger xóa nợ vì cần 'mở nắp nồi trước khi nổ'

Cập nhật 19/12/2013 16:26

Tiger không thể "rút củi dưới đáy nồi" vì độ nóng của tình cảm của người dân dành cho anh tài xế Hậu, nên chỉ còn cách là "mở nắp nồi ngay trước khi phát nổ".

Câu chuyện đổ bia - hôi của tại Đồng Nai tưởng như đã khép lại với màn kết có hậu cho người tài xế Hồ Kim Hậu khi Tiger beer tuyên bố sẽ không phải bồi thường số bia “bị hôi”, tuy nhiên, sóng dư luận vẫn chưa dừng lại. Nhiều người dân vẫn băn khoăn với câu hỏi: Tại sao Tiger beer lại chậm chạp trong việc đưa ra quyết định cuối cùng đến như vậy? Phải chăng 10 ngày chờ đợi là khoảng thời gian mà hãng bia danh tiếng này lợi dụng truyền thông để đánh bóng tên tuổi của mình?

Giải đáp những thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia marketing đồng thời là CEO một công ty trong lĩnh vực đồ uống, từng là Quản lý thương mại của Starbucks tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Khoa, CEO Greem Standard về những vấn đề liên quan tới hồi kết của câu chuyện hôi của tại Biên Hòa.

Tiger không thể "rút củi dưới đáy nồi" vì độ nóng của tình cảm của người dân dành cho anh tài xế Hậu, nên chỉ còn cách là "mở nắp nồi ngay trước khi phát nổ".

Khó có câu chuyện đẹp như Running Man

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng Tiger beer đã quá chậm trễ trong việc trả lời vụ hôi bia (sau 10 ngày kể từ khi sự việc diễn ra), nhằm lợi dụng truyền thông để PR miễn phí hơn 1 tuần qua mặc cho những lời cáo buộc đổ dồn về phía Tiger. Quan điểm của ông thế nào về việc này?

Thực ra, việc Tiger lên tiếng không phải là điều mà họ phải làm, nhưng vì thông tin nhiều chiều gây ảnh hưởng tới hình ảnh của họ nên Tiger buộc phải trả lời để đảm bảo quyền lợi và truyền đi thông điệp chính xác.

"Tiger lên tiếng trong trường hợp này, chủ đích là đính chính thông tin và hỗ trợ cùng đại lý, để hạn chế ảnh hưởng xấu về thông tin mà anh tài xế đã cung cấp ra bên ngoài" - ông Nguyễn Thế Khoa nói.

Tiger rất thận trọng trong vấn đề nhạy cảm này nên họ đã làm đúng trình tự là để cơ quan chức năng đưa ra kết luận của vụ việc mới truyền đi thông điệp của mình. Ngoài ra, việc quy kết trách nhiệm cũng là vấn đề, mọi chuyện phải làm theo luật chứ không thể làm theo cảm tính được. Và điều đó cần thời gian để tìm hiểu khi các bên ngồi lại với nhau tìm ra phương án xử lý sự cố toàn vẹn nhất. Có khi phải mất cả tháng để đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho việc này và 10 ngày chưa phải là chậm nhất.

Tôi chỉ có thể đánh giá rằng, dù cố tình hay không, nhưng Tiger beer đã được nhiều người chú ý hơn qua sự cố này.


* Mặc dù nút thắt đã được mở, Tiger tuyên bố tài xế Hậu không phải bồi thường cho khoản bia đã mất nhưng nhiều người cũng thất vọng trước cách phản ứng của Tiger (im lặng trong suốt những ngày qua). Theo ông, hình ảnh của Tiger có giảm đi (mất đi) sau sự cố này?

Vấn đề hình ảnh của Tiger ít nhiều đã bị ảnh hưởng trong câu chuyện này. Vì con người vẫn sống cảm tính, họ không nhìn theo lý trí. Tiger là thương hiệu quốc tế và buộc họ phải làm theo luật.

Ta thấy có thông tin nhiều chiều gây tiếng xấu cho Tiger beer và ít nhiều cũng khiến một bộ phận người dân phẫn nộ. Nhưng chỉ sau một tuyên bố này, mọi chuyện đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Một bộ phận người dân thì nghĩ Tiger làm thế là tốt và họ ủng hộ Tiger hơn. 1 bộ phận khác lại cho rằng: Tiger dùng chiêu trò và họ ghét hình ảnh Tiger hơn. Bản thân Tiger tại Việt Nam cũng không phải là 1 thương hiệu mạnh. Nhưng sau sự cố vừa qua, chắc chắn Tiger sẽ có những động thái củng cố lại hình ảnh của mình.

* Có người nói: Rất khó để Tiger có thể tạo nên 1 câu chuyện đẹp như Running Man. Vì đơn giản, những "nguyên liệu" trong câu chuyện Tiger Beer là những “nguyên liệu bẩn” như lòng tham, hôi của, cước bóc, thậm chí bị nghi ngờ là thiếu trách nhiệm hay dựng chuyện để PR. Sự việc “hôi bia” này nói cách khác lại rất bất lợi cho hình ảnh thương hiệu. Điều này đúng hay sai, thưa ông?
Mặc dù nút thắt đã được mở, Tiger tuyên bố tài xế Hậu không phải bồi thường cho khoản bia đã mất nhưng nhiều người cũng thất vọng trước cách phản ứng của Tiger

Câu chuyện này có thể nói là xấu, có rất nhiều tình huống khiến người khác nghi ngờ Tiger lợi dụng sự việc để PR. Đỉnh điểm là vấn đề treo băng rôn và tài xế tuyên bố là Tiger đòi anh bồi thường số hàng trên. Tính chất PR có ở mọi nơi, vấn đề là người làm công tác PR thương hiệu có quyết định chọn nó hay không. Nhưng về lý thuyết 1 thương hiệu lớn như Tiger beer thì không thể sử dụng câu chuyện xấu thế này để PR cho thương hiệu lớn như thế. Họ vẫn có thế sử dụng, nhưng họ sẽ phải đối đầu với sự thất bại nếu đi sai nước cờ.

Ở đây im lặng cũng là cách PR, mặc cho ai nói gì thì nói. Nếu coi sự im lặng là chiêu PR do Tiger tung ra khi lợi dụng câu chuyện xấu này thì họ đã thành công.Vì cuối cùng nút thắt nằm ở anh tài xế tên Hậu mà thôi và mở nút thắt cũng từ anh tài xế.

Tiger tuyên bố xóa nợ là điều tất yếu

* Trước đó, bà Đặng Thanh Vân - Giám đốc Thanhsbrand, một chuyên gia tư vấn thương hiệu đã từng cho rằng:“Giải pháp hiệu quả nhất lúc này, cũng như trong các sự cố khủng hoảng truyền thông tương ứng, tốt hơn hết là nên “rút củi dưới đáy nồi” (Binh pháp Tôn Tử), giảm dần áp lực, quan tâm và thông tin tiêu cực từ phía dư luận, trước khi có những động thái thiết thực hơn”. Tiger có phải đã lợi dụng giải pháp này?

Dân Việt Nam rất hào sảng và thường quên nhanh những sự việc không mấy tốt đẹp của các thương hiệu. Tuy nhiên trong trường hợp này, Tiger không thể "rút củi dưới đáy nồi" được. Vì độ nóng của tình cảm của người dân cả nước dành cho anh tài xế Hậu. Nên chỉ còn cách là "mở nắp nồi ngay trước khi phát nổ".

Nói cho đúng hơn, 1 bộ phận nào đó trong người dân đã kêu gọi nhau tẩy chay Tiger nếu anh Hậu bị bắt phải bồi thường cho Tiger. Dù không biết thông tin đó có chính xác hay là không, người dân vẫn dùng cảm tính để hành động. Và Tiger, dù không còn liên quan trong chuyện này nhiều, nhưng vẫn phải "mở nắp nồi trước khi nổ".

* Vậy xin ông cho biết: Tiger tuyên bố sẽ xóa nợ cho tài xế, liệu dư luận có xóa đi nghi án Tiger dựng nên “vở kịch” này và diễn từ A - Z như báo chí đã khai thác những ngày qua?

Thật ra Tiger tuyên bố “anh Hậu không phải bồi thường” là điều tất yếu, vì thực tế Tiger có muốn anh Hậu đền cũng không được. Vì anh Hậu không có hợp đồng lao động cho Tiger, anh ấy là người lái xe cho 1 công ty vận tải. Và công ty vận tải ấy phải đưa ra hợp đồng vận chuyển, hợp đồng lao động thì mới có thể quy kết trách nhiệm cho anh Hậu.
 


Ở đây muốn bắt ai đó bồi thường thì phải có pháp luật và phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền mới có thể bắt người khác đền. Việc Tiger công bố thông tin anh Hậu không phải bồi thường là vạn bất đắc dĩ, chỉ để dập tắt thông tin Tiger yêu cầu anh Hậu đền 1.000 thùng bia bị hôi, hoặc là đi tù như những gì báo chí và cư dân mạng lan truyền - Đây vốn là nguyên nhân chính khiến 1 bộ phận nhỏ cư dân mạng lên tiếng đòi tẩy chay Tiger.

Và có thể nói, dù có sợ dư luận nhưng Tiger vẫn phải lên tiếng về sự hiểu lầm trên. Tiger chỉ xuất hàng khỏi kho khi nhà phân phối đặt hàng. Tiger không hỗ trợ vận chuyển hàng, thay vào đó Tiger hỗ trợ bằng cách trừ trực tiếp tiền hỗ trợ vào giá bán cho đại lý.

Đồng nghĩa với việc Tiger chỉ còn trách nhiệm về chất lượng cam kết và trách nhiệm quản lý thương hiệu với lô hàng này. Còn lại do nhà phân phối và công ty vận tải chịu trách nhiệm với nhau. Có 1 sự khúc mắc nhỏ là tại sao anh Hậu lại nói Tiger đòi anh bồi thường nếu không anh sẽ đi tù, trong khi Tiger không còn là chủ của lô hàng trên xe của anh Hậu điều khiển.

Cho tới thời điểm này, những người trong ngành vẫn đặt câu hỏi về khúc mắc này. Còn với người dân thì Tiger đã làm điều tốt khi không bắt anh bồi thường hàng hóa, tôi nghĩ dư luận cũng sẽ dần quên đi chuyện xấu mà chỉ nhớ tới việc tốt này mà thôi.

DiaOcOnline.vn - Theo Zingnew