Tư tưởng làm giàu

Cập nhật 04/12/2007 15:05

Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy rằng thế giới mà chúng ta đang sống luôn tồn tại các cặp đối lập nhau. Nóng - lạnh, trên - dưới, trong – ngoài, tối – sáng, nhanh - chậm, trái - phải… Chúng đối lập nhau nhưng lại không thể tồn tại, nếu thiếu nhau. Làm sao có thể xác định đâu là bên phải khi không có bên trái? Chưa từng biết nóng thì làm sao biết lạnh là gì?

Đối với vấn đề tiền bạc cũng thế các bạn ạ! Tiền có quy luật vận động bên trong và bên ngoài của nó. Ở bên ngoài là những hiều biết về kinh doanh, cách quản lý tiền bạc và những kế hoạch đầu tư. Quy luật vận động bên trong của tiền bạc chính là con người của chính bạn, là thái độ đối với tiền bạc, đối với giàu nghèo của bạn mà tôi tạm gọi là tư tưởng làm giàu.

Những tri thức, kỹ năng làm giàu là yếu tố rất quan trọng nhưng tư tưởng làm giàu còn quan trọng hơn. Thử hỏi nếu một người sắm được bộ đồ nghề làm mộc nhưng không biết cách sử dụng thì đã trở thành thợ mộc hay chưa? Đối với việc làm giàu cũng vậy, học hỏi những kiến thức làm giàu vẫn chưa đủ để thành công. Điều cơ bản là bạn phải thay đổi được chính con người mình sao cho giống với những người đã từng thành đạt.



Tài sản quý nhất của người giàu chính
là tư tưởng làm giàu của họ.


Đến đây, bạn hãy thử nhìn nhận lại mình xem bạn thuộc loại người như thế nào. Cách suy nghĩ, thói quen, cá tính của bạn ra sao? Bạn có niềm tin hay không và bạn tin vào đâu? Bạn có thực sự tin tưởng chính mình hay không?

Cách cư xử của bạn với người khác ra sao và bạn có niềm tin nơi họ hay không? Bạn có nghĩ rằng mình đáng được hưởng giàu sang phú quý hay không? Bạn có đủ sức để gạt bỏ những lo lắng, những bất an, những phiền muộn để toàn tâm toàn ý vào công việc hay không?

Những câu hỏi nêu trên nhằm xác định 3 yếu tố then chốt của một tư tưởng làm giàu đó là: cá tính, cách suy nghĩ và niềm tin. Bạn sẽ thành công hay không và mức độ thành công ra sao đó là nhờ 3 yếu tố nội tại này. Stuart Wilde, tác giả mà tôi rất ngưỡng mộ, đã từng nói về vấn đề này như sau: “ Hãy phát huy sức mạnh nội tại. Khi ta đủ sức hấp dẫn, cơ hội sẽ đến với ta. Khi ấy hãy nắm bắt lấy, đừng bao giờ bỏ lỡ”.

Tại sao phải xây dựng cho mình một tư tưởng làm giàu?

Bạn có biết tài sản quý nhất của người giàu là gì không? Không phải là tiền bạc. Không phải các mối quan hệ mà chính là tư tưởng làm giàu của họ. Họ không cam chịu nghèo khó. Họ không muốn làm người ít tiền. Họ phải trở lại vị trí người giàu, thành triệu phú, thành tỷ phú. Cho dù hoàn cảnh hiện tại của họ như thế nào, họ vẫn nuôi ý chí trở lại vị trí cao nhất mà trước kia họ đã đạt được.

Đối với nhiều người, đạt được tài sản 1 triệu đô đã là thành công, giàu sang nhưng đối với Donald Trump đó là thất bại, là nghèo túng.Tư tưởng của Donald Trump là tư tưởng tỷ phú. Năng lực của ông là năng lực kiếm tiền tỷ và quản lý tiền tỷ.

Nói chung ông có một bộ óc tỷ phú. Thấp hơn, có những người có bộ óc triệu phú. Thấp hơn nữa có những người chỉ có năng lực kiếm và quản lý được vài chục nghìn Đô. Xa hơn nữa là những người không biết kiếm tiền.



Cá tính, cách suy nghĩ và niềm tin –
ba yếu tố then chốt của một tư tưởng làm giàu.


Sự thật là đa số người nghèo không biết phát huy hết tiềm lực của mình. Họ không dũng cảm sửa đổi chính mình. Họ chỉ biết nhìn vào sự thành đạt của người khác rồi so sánh với mình để rồi cảm thấy mình quá thua kém.

Cách suy nghĩ thứ 1

Người giàu quan niệm: “ Cuộc sống mỗi người là do chính người ấy quyết định” trong khi người nghèo lại nghĩ: “Cuộc sống tự nó xảy đến”

Nếu bạn có ý định làm giàu, việc đầu tiên bạn cần làm là phải có niềm tin. Bạn tin tưởng rằng bạn sẽ kiểm soát được mọi việc trong cuộc sống. Trong đó quan trọng nhất là vấn đề tài chính. Nếu không có lòng tin, bạn sẽ dễ dàng mất khả năng điều khiển được mọi diễn tiến của cuộc sống theo ý muốn. Như thế, bạn sẽ không thể nào thành công được.

Cuộc đời bạn là do chính bạn tạo ra. Địa vị của bạn cao hay thấp là do nơi bạn. Bạn sống giàu sang hay nghèo túng là do suy nghĩ của bạn.

Người nghèo thường có quan niệm không đúng. Họ hay xem mình là nạn nhân. Họ không chịu nhìn nhận trách nhiệm của họ đối với hoàn cảnh nghèo khó mà họ đang sống. Họ thường nghĩ họ thật tội nghiệp, vì hoàn cảnh, vì sa cơ lỡ vận…, và rồi họ lại càng lún sâu vào hoàn cảnh ấy

Đối với tôi, trong vấn đề giàu nghèo không có ai là nạn nhân của ai cả mà chỉ có những người tự đóng vai trò là nạn nhân. Nói cách khác, họ là nạn nhân của chính mình.



Người giàu luôn quan niệm: Cuộc sống của
mỗi người là do chính người ấy quyết định.


Người ta chỉ đóng vai trò là nạn nhân. Vậy làm sao để nhận ra? Thông thường có 3 dấu hiệu chính đó là: trách móc, biện hộ và than vãn.

Dấu hiệu 1: Trách móc

Mục tiêu của việc tìm ra dấu hiệu này là giúp bạn dễ dàng nhận ra những người thuộc loại này. Có thể nói, họ là những “chuyên gia trách móc”. Theo lời họ thì mọi việc dường như có ác ý với họ. Họ cho rằng thất bại là do số phận đen đủi, do những nguyên nhân khách quan bên ngoài.

Dấu hiệu 2: Biện hộ

Nếu “nạn nhân ” không trách móc, họ sẽ chọn cách biện hộ. Với câu nói: “Tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng”, họ biện hộ cho hoàn cảnh của mình.

Những ai nói rằng tiền bạc đối với họ không có giá trị thì chắc chắn họ là những người đang túng tiền. Người giàu hiểu rõ giá trị của tiền bạc và vị trí, chức năng của nó trong xã hội. Ngược lại, người nghèo biện hộ cho hoàn cảnh của họ bằng cách so sánh giữa tiền bạc và tình cảm.

Họ cho rằng vật chất không quan trọng bằng tinh thần, tiền bạc không thể sánh bằng tình nghĩa. Đây là một sự so sánh sai lầm, bởi vì vật chất và tinh thần đều có những chức năng riêng của chúng. Chúng đều cần thiết cho cuộc sống con người và không thể đem so sánh với nhau được. Có thể nói so sánh vật chất và tinh thần chẳng khác nào so sánh chân với tay cái nào quan trọng hơn cho hoạt động của cơ thể.



Người giàu không bao giờ xem nhẹ giá trị của đồng tiền.


Xin khẳng định một điều rằng người giàu không bao giờ xem nhẹ giá trị của tiền bạc. Nếu bạn không nghĩ được như vậy chắc chắn bạn đang là người nghèo và bạn sẽ còn nghèo cho đến khi thay đổi quan niệm đó.

Để trở thành tỷ phú
NXB Thanh Hóa
Giá bán: 21.000 VND