Tư duy chiến lược

Cập nhật 19/02/2008 10:26

Tư duy chiến lược là nghệ thuật vượt qua đối thủ cạnh tranh, với nhận thức rằng họ cũng đang cố gắng vượt qua mình. Mỗi chúng ta đều phải áp dụng tư duy chiến lược cách này, hoặc cách khác tại nơi làm việc và ngay ở nhà.

Tư duy chiến lược đúng đắn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau vẫn luôn là một nghệ thuật. Nhưng nền tảng của nó được xây dựng trên một số nguyên tắc cơ bản - một khoa học về chiến lược.



Mục đích của tác giả trong việc viết cuốn sách này là người đọc từ những lĩnh vực và nghề nghiệp khác nhau có thể trở thành những nhà chiến lược giỏi hơn nếu họ biết được những nguyên tắc này. Tác giả Paul Samuelson đoạt Giải Nobel Kinh tế 1970 đã nhấn mạnh: “Để hiểu biết về hiện tại, bạn cần một sự hiểu biết khái quát về Lý thuyết trò chơi. Dixit và Nalebuff đã cung cấp cho bạn những chìa khóa cốt yếu. Bạn sẽ gặt hái được nhiều điều bổ ích và thú vị từ cuốn sách này”.

Sau đây, DOOL xin trích dẫn những câu chuyện chiến lược thú vị và hữu ích của Dixit và Nalebuff trong cuốn sách "Tư Duy Chiến Lược (Lý Thuyết Trò Chơi Thực Hành)"

Mười câu chuyện chiến lược

Chúng tôi bắt đầu với mười câu chuyện chiến lược lấy từ các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống và đưa ra những tư duy khởi đầu về cách làm thế nào để chơi tốt nhất.

Nhiều người trong số các bạn phải đối mặt với những tình huống tương tự như vậy trong cuộc sống hằng ngày và có thể đã tìm được một giải pháp đúng đắn sau khi đã suy nghĩ, đã thử nghiệm hay đã thất bại.

Đối với những người khác, một số câu trả lời có thể gây ngạc nhiên nhưng ngạc nhiên không phải mục tiêu trước hết của các ví dụ. Mục đích của chúng tôi là cho bạn thấy các tình huống như vậy khá phổ biến, chúng bao gồm một tập hợp các vấn đề gắn kết và tư duy về chúng một cách có phương pháp nói chung rất hữu ích.

Trong những chương sau, chúng tôi phát triển các hệ thống tư duy này thành các lời giải cho một chiến lược hiệu quả. Hãy nghĩ đến những câu chuyện dưới đây như bạn nhấm nháp chút khai vị trước khi vào món chính. Chúng có tác dụng kích thích vị giác của bạn nhưng chắc hẳn chưa thể làm bạn no nê.

1. Bàn tay nóng

Các vận động viên đã bao giờ có “bàn tay nóng” chưa? Người ta có cảm tưởng rằng có những lúc Larry Bird không thể nào ném trượt bóng ra ngoài rổ, hoặc Wayne Gretzky hay Maradona không thể đá trượt cầu môn.

Những bình luận viên thể thao nhìn thấy một loạt thành công liên tiếp và họ tuyên bố rằng vận động viên đó đang mang “bàn tay nóng”.

Tuy nhiên, theo các giáo sư tâm lý như Thomas Gilovich, Robert Vallone và Amos Tversky thì đây chỉ là ngộ nhận sai lầm về thực tại. Họ chỉ ra rằng nếu bạn chơi trò búng đồng tiền để lâu thì bạn sẽ thấy có những lúc đồng tiền liên tục nằm ngửa . Các nhà tâm lý học cho rằng các nhà bình luận thể thao không đủ hiểu biết sâu sắc về vấn đề để bình luận, đơn giản chỉ đi tìm những mẫu lặp lại trong một thời gian dài như khi chơi trò sấp ngửa với đồng xu.

Họ đề nghị thực hiện một cuộc thực nghiệm nghiêm túc hơn. Trong bóng rổ, họ xem xét tất cả những lần ném trúng rổ của cầu thủ và tính phần trăm số lần mà cầu thủ đó ném lần tiếp ngay sau đó cũng trúng vào rổ.

Một tính toán phần trăm tương tự cũng được làm đối với những cú ném tiếp ngay sau các cú ném trượt. Nếu cú ném sau một cú ném trúng thường là trúng hơn là trượt thì có lẽ lý thuyết về bàn tay nóng thực sự có một chỗ đứng nào đó.

Họ đã tiến hành cuộc kiểm nghiệm này đối với đội bóng rổ Philadelphia 76. Kết quả thu được mâu thuẫn với quan điểm bàn tay nóng. Khi một cầu thủ ném trúng quả trước, thường lại họ ném trượt quả sau nhiều hơn. Khi cầu thủ ném trượt lần trước, anh ta có nhiều khả năng ném trúng lần sau hơn. Điều này đúng ngay cả với Andrew Toney, cầu thủ nổi danh vì hay có những cú ném trúng liên tiếp.

Liệu điều này có nghĩa là chúng ta thay vì nói đến bàn tay nóng sẽ chuyển sang nói về “bàn tay chớp”, giống như tia chớp luôn biến đổi lóe sáng rồi lại tắt ngay hay không?

Lý thuyết trò chơi đề xuất một cách giải nghĩa khác. Trong khi các bằng chứng thống kê phủ nhận sự có mặt của các cú ném trúng hàng loạt, nó cũng không phản đối rằng cầu thủ đang “nóng” cũng có thể làm nóng cuộc chơi bằng một cách khác nào đó.

Có sự khác biệt giữa ném trúng chớp nhoáng với bàn tay nóng là vì tương tác lẫn nhau giữa các chiến lược tấn công và phòng vệ. Giả sử như Andrew Toney thực sự đang có bàn tay nóng. Chắc chắn đối phương sẽ bắt đầu bao vây anh ta và hcính điều này có thể dễ dàng giảm tỷ lệ ném trúng đích của anh ta.

Đó chưa phải đã hết. Khi các cầu thủ phòng vệ tập trung vào Toney, một trong các đồng đội của anh sẽ không bị canh chặt và có nhiều cơ hội ném trúng đích hơn. Nói cách khác, bàn tay nóng của Toney dẫn đến thành tích của cả đội 76 được cải thiện mặc dù thành tích cá nhân của Toney có thể giảm đi. Như vậy là chúng ta có thể kiểm nghiệm bàn tay nóng bằng cách tìm ra những cú ném thành công liên tục của cả đội.

Những hiện tượng tương tự cũng được quan sát thấy trong nhiều môn thể thao đồng đội khác. Một cú dắt bóng thông minh làm cho việc chuyền bóng trở nên hay hơn và người nhận cú chuyền cho một cách thông minh sẽ giúp cho việc chơi dắt bóng hay hơn , bởi vì đối phương bị buộc phải bố trí nhiều hậu vệ hơn để canh giữ các ngôi sao.

Trong giải vô địch bóng đá Thế giới năm 1986, ngôi sao người Argentina Diego Maradona không làm bàn nhưng hai quả chuyền của anh qua vòng vây của các hậu vệ Đức đã dẫn đến hai bàn thắng cho đội tuyển Argentina.

Giá trị của ngôi sao không thể chỉ đánh giá qua kết quả ghi 4 bàn của cá nhân anh ta; sự đóng góp của anh ta cho kết quả đồng đội mới là quan trọng và thống kê sẽ giúp đo lường sự đóng góp này.


Trong môn khúc côn cầu trên băng, hỗ trợ ghi bàn và ghi bàn đều được tính điểm ngang nhau khi đánh giá kết quả của từng cá nhân.

Mỗi cầu thủ thậm chí còn có thể giúp chính mình khi một bàn tay nóng làm nóng lên bàn tay khác. Ngôi sao của đội Celtics Boston Larry Bird thường thích ghi bàn bằng tay phải (mặc dù tay trái của anh ta còn làm tốt hơn thế trong hầu hết các tình huống). Các cầu thủ phòng vệ biết rằng Larry thuận tay phải, do vậy họ tập trung vào đề phòng các cú ném bên phải. Tuy nhiên, họ không thể chỉ làm như vậy bởi vì các cú ném tay tay trái của Larry hiệu quả đến mức không thể không đề phòng cả bên trái được.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Larry dành hết thời gian luyện tập bên ngoài mùa bóng để tăng khả năng ném bóng trúng đích bằng tay trái? Các cầu thủ phòng ngự sẽ mất nhiều thời gian hơn để canh các cú ném tay trái. Và thế là tay phải của Larry sẽ được tự do hầu hết thời gian.

Kỹ năng ném bóng tay trái được cải thiện dẫn đến các cú ném bóng tay phải còn hiệu quả hơn nữa. Trong trường hợp này, tay trái không chỉ biết tay phải đang làm gì mà nó còn giúp nhiều hơn cho tay phải làm điều đó nữa.

Dấn thêm một bước nữa, trong chương 7, chúng tôi sẽ cho thấy khi tay trái mạnh hơn, nó có thể được sử dụng ít thường xuyên hơn. Nhiều người trong số các bạn có thể đã có kinh nghiệm về điều tưởng chừng như nghịch lý này khi chơi quần vợt.

Nếu cú đánh bên trái của bạn yếu hơn cú đánh bên phải rất nhiều thì đối thủ của bạn sẽ học được cách buộc bạn phải chơi nhiều với cú đánh trái hơn. Cuối cùng thì vì phải chơi như vậythường xuyên hơn, bạn sẽ chơi nó khá hơn.

Khi mà cả hai cách đánh của bạn đều mạnh như nhau, đối thủ sẽ không còn khai thác được lợi thế từ cú đánh trái yếu của bạn nữa.


Họ sẽ chơi đồng đều hơn ở cả hai kiểu đánh. Bạn sẽ được sử dụng cú đánh phải mà bạn chơi tốt hơn một cách thường xuyên hơn; trong khi đó việc cú đánh trái của bạn được cải thiện sẽ thực sự thêm cho bạn một lợi thế nữa.

Tư duy chiến lược
NXB Tri Thức
Giá bán: 68.000 VND

>>Dẫn đầu hay không