Thành công không chỉ là kiếm được nhiều tiền

Cập nhật 26/07/2008 08:10

Đôi khi con người vẫn lặn ngụp trong thế giới riêng của mình để tự hỏi điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Và sẽ phải làm thế nào nếu ta muốn đạt được thành công.

Bằng triết lý toàn diện về cuộc sống, bằng những thông điệp chia sẻ được đúc kết từ trải nghiệm thực tiễn của một đời người đi dạy luôn suy tư, trăn trở về cuộc sống, cuốn sách “Những bài học cuộc sống – 20 điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn” đã thể hiện 20 bài học sâu sắc, đúng đắn và có giá trị vĩnh hằng đối với những người mang trong mình nỗi ưu tư như vậy.

Xin giới thiệu một bài học đầu tiên mà tác giả Hal Urban muốn chia sẻ với bạn: "Thành công không chỉ là kiếm được nhiều tiền".




Khám phá ý nghĩa của cuộc sống

Có thể bạn cho là trễ nhưng lần đầu tiên tôi hiểu được ý nghĩa thực sự của hai từ Thành Công là khi tôi ba mươi chín tuổi. Lúc đó tôi chẳng cần phải là giám đốc điều hành của một trong 500 công ty lớn nhất thế giới, hay là vừa mua được chiếc Mercedes đời mới nhất,cũng không trúng số độc đắc. Chỉ là tìm được điều mà tôi đã từng mãi kiếm tìm, đó là sự bình yên trong tâm hồn và cảm nhận được giá trị của bản thân. Và từ đó, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi.




Theo tôi, Thành Công cũng có những quy luật của nó chỉ là chúng ta chưa được nghe nói đến trên các phương tiện thông tin đại chúng mà thôi. Những quy luật đó cũng chẳng có gì là mới mẻ hay bí ẩn cả. Nó bình dị, gần gũi và tồn tại từ lâu, nhưng nó rất đúng.

Có một câu thành ngữ Thụy Điển nói rằng “Chúng ta bị già đi quá nhanh, trong khi sự trải nghiệm lại đến với chúng ta quá chậm”. Có thể điều đó là không đúng và cũng có thể cuốn sách này sẽ giúp bạn có được những sự trải nghiệm sớm hơn tôi ngày trước.

Thậm chí, dù bạn đã lớn tuổi những hãy hiểu không bao giờ là quá muộn ! Từ những điều đã qua, tôi rút ra được rằng: Người hiểu biết không phải là người tìm cách hơn người khác mà là người biết cách sống thế nào để hạnh phúc.

Mối liên hệ giữa thành công và tiền bạc

Tự thân đồng tiền không phải là xấu. Bản thân đồng tiền không phải là cội rễ của tất cả mọi sự xấu xa mà thật ra, chính sự ham muốn có tiền, ngay cả khi bạn đang có thật nhiều tiền. Vấn đề là chúng ta kiếm tiền bằng những cách chân chính và chúng ta tiêu tiền vào những mục đích chính đáng thì khi đó, đồng tiền sẽ sản sinh ra những điều tốt.


Tiền bạc không phải là điều kiện đủ để thành công. Trước đây, tôi thường đọc nhiều sách viết về con đường thành công của những nhà triệu phú, tỉ phú… Trong số đó có vài người đã phải vào tù vì chính con đường dẫn đến thành công của mình. Ivan Boesky, một nhà tài phiệt nổi tiếng đã nói hơi quá rằng “Tham lam đôi khi cũng tốt”– và chỉ vài tháng sau, ông bị truy tố.

Boesky đã tuyên bố một điều mà nhiều người thường nghĩ nhưng không phải bao giờ cũng đúng, đó là: Thành công đồng nghĩa với giàu có.

Tại sao những người đã có đầy đủ tiền bạc, quyền lực và cả địa vị vẫn không cảm thấy hạnh phúc? Câu trả lời thật đơn giản, đó là bởi vì sở hữu những thứ đó không hẳn có nghĩa là đạt được thành công.

Họ chưa nhận ra điều gì là chính yếu cho cuộc sống của mình. Họ trở thành nô lệ của đồng tiền và những thứ do đồng tiền mang lại. Khi đó họ đã vô tình gây tổn hại cho cuộc sống của bản thân cũng như của những người khác.

Khi phóng đại quá mức tầm quan trọng của đồng tiền chính là bạn đang đánh lừa chính mình, gạt mình ra khỏi những điều tuy bình dị nhưng lại có ý nghĩa lớn, những điều có thể làm cho cuộc sống thú vị hơn, sâu sắc và đáng yêu hơn.

Thế nào được gọi là thành công?

“Hãy để mỗi người tự hoàn thiện mình bằng chính những khả năng tiềm ẩn mà họ vốn có.” – Hal Urban.

Đây là phẩm chất thường thấy ở người thành công:

- Chấp nhận rằng cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn và thử thách. Họ hội nhập với cuộc sống và vươn lên khắc phục hơn là chỉ biết phàn nàn, than vãn. Họ dám chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình thay vì đổ lỗi hoặc bào chữa để tìm đến sự thanh thản cho bản thân.

- Luôn giữ thái độ sống tích cực. Họ tìm kiếm, khám phá những điều tốt đẹp ở người khác và thế giới xung quanh. Đối với họ, khó khăn và thử thách chính là những cơ hội để họ thử sức và trải nghiệm.

- Tạo những quan hệ tốt. Họ nhạy cảm với những nhu cầu và cảm nhận của người khác. Họ luôn quan tâm, tôn trọng và biết cách khơi dậy những điều tốt đẹp ở người khác.

- Luôn có phương hướng và mục đích. Họ luôn hình dung và biết trước nơi mình sẽ đến. Họ hoàn thành những mục tiêu đã định rồi lại đặt ra mục tiêu mới. Vui vẻ chấp nhận thử thách là một đức tính thường thấy ở những người này.

- Có nhu cầu học hỏi mạnh mẽ. Đối với những người này, học hỏi là một thú vui chứ không phải là một nhiệm vụ. Những kiến thức mới sẽ làm phong phú hơn cho cuộc sống của họ và từ đó giúp họ trưởng thành hơn.

- Hành động theo định hướng. Không sa vào thói quen xấu hoặc tỏ ra buồn chán vì những người này luôn “tranh thủ” tích lũy những kinh nghiệm mới.

- Chú trọng phẩm chất đạo đức cá nhân. Họ hiểu rằng, trung thực là một trong những giá trị cơ bản của con người và quyết tâm thể hiện phẩm chất này cả trong công việc và đời sống.

- Hiểu được sự khác biệt giữa “sống” và “tồn tại”. Họ “sống” thật sự với tất cả nhiệt huyết chứ không để cuộc sống “cuốn trôi” mình. Họ yêu quý cuộc sống với tất cả các giá trị của nó cùng những thành quả mà họ đã nỗ lực đạt được.

Những bài học của cuộc sống - 20 điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn
NXB Trẻ
Giá bán: 22.000 VND