Sôi động cuộc đua nhà hàng tiệc cưới

Cập nhật 14/01/2014 14:30

Nhà hàng tiệc cưới đang là “miếng bánh” kinh doanh đầy hấp dẫn, thu hút nhiều chủ doanh nghiệp trong nước và Việt kiều. Nhưng liệu đây có là cuộc chơi của những tay mơ?


Trong bối cảnh nền kinh tế hiện vẫn còn nhiều khó khăn, việc xuất hiện thêm những trung tâm hội nghị tiệc cưới cao cấp đang khiến nhiều nhà đầu tư coi đây là cơ hội kinh doanh mới. Chỉ tính riêng năm 2013, thị trường nhà hàng hội nghị, tiệc cưới tại TP.HCM đã có thêm khoảng gần 20 trung tâm lớn nhỏ.

Dồn dập mở nhà hàng tiệc cưới

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Bến Thành Land nhận định, trong lúc thị trường bất động sản chưa tan băng, việc chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực thương mại dịch vụ là bước đi đúng đắn, vì lợi nhuận từ mảng tổ chức sự kiện tiệc cưới được đánh giá là rất cao. Vì thế, sau khi Riverside Palace đi vào hoạt động không lâu, Bến Thành Land tiếp tục đầu tư hai trung tâm hội nghị tiệc cưới hoành tráng là Claris Palace ở Thủ Đức (đã đi vào hoạt động) và Claris Palace tại quận Phú Nhuận (đã khởi công và dự kiến khánh thành vào tháng 3/2014). Trong đó, Claris Palace tại Thủ Đức được xây dựng trên diện tích gần 6.000m2 với vốn đầu tư 40 tỉ đồng, đẳng cấp 4 sao.


PQC, chủ đầu tư của White Palace, cũng lên kế hoạch xây dựng thêm một trung tâm hội nghị tiệc cưới ngang tầm trung tâm thứ nhất, đẳng cấp 5 sao, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Xét về số lượng thì doanh nghiệp dẫn đầu ngành này tại TP.HCM hiện là Đông Phương Group với 7 trung tâm hội nghị tiệc cưới, hoạt động tại các phân khúc khác nhau và rải đều khắp thành phố. Doanh nghiệp này có hai thương hiệu là Le Dong Phuong và The Adora. Bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc Marketing của Đông Phương Group cho biết, The Adora – Grand View (Ngô Gia Tự, quận 5) và The Adora – Premium (Phú Mỹ Hưng) có vốn đầu tư gấp ba lần The Adora Nguyễn Kiệm, tức là khoảng hơn 300 tỉ đồng cho mỗi trung tâm.


Sự xuất hiện của The Adora – Grand View mang lại một diện mạo mới cho thị trường tổ chức hội nghị, tiệc cưới TP.HCM. Trung tâm này có chiều dài mặt tiền lên tới 150m, diện tích 22.000m2 với sức chứa lên tới 5.000 khách. Một nhà đầu tư trong lĩnh vực này cho biết, từ khi The Adora – Grand View mọc lên, họ đã bị mất đi một lượng khách hàng đáng kể.

Ngoài những đại gia bất động sản chuyển hướng đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận, không ít trung tâm hội nghị, tiệc cưới mọc lên thời gian gần đây là của Việt kiều. Họ là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Điểm chung của những chủ đầu tư trong lĩnh vực này là chọn những khu đất vàng đắc địa, tập trung đông dân cư, thuận tiện giao thông để xây dựng nhà hàng. Chính vì thế, cho dù thị trường bất động sản đóng băng, nhưng cuộc đua tìm kiếm bất động sản cho lĩnh vực nhà hàng tiệc cưới năm 2013 vẫn hết sức gay gắt.

Lợi nhuận hấp dẫn

Theo khảo sát của Công ty M.I.N.H Hospitality Consulting, tại TP.HCM hiện có khoảng 120 – 150 trung tâm tổ chức hội nghị, tiệc cưới (không tính khách sạn). Với mức chi tiêu cho một tiệc cưới hiện vào khoảng 100 triệu đồng, tính bình quân, mỗi trung tâm cũng đạt doanh thu gần 100 tỉ đồng/năm với lợi nhuận ở mức 20-30%.


Theo bà Hà Giang của Đông Phương Group, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng thị trường tiệc cưới nói chung vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt và đều đặn với doanh thu ước tính khoảng 10.000 tỉ đồng/năm.

Trong bối cảnh khó khăn, thị trường tiệc cưới có sự phân hóa ngày càng rõ rệt. Với những trung tâm tiệc cưới ở phân khúc trung và cao cấp, cuộc cạnh tranh gay cấn nhất là về đẳng cấp và dịch vụ. Trường hợp của Glorious là một ví dụ. Chưa đầy 1,5 năm, chủ đầu tư của hệ thống nhà hàng này đã phải thay mới toàn bộ thiết kế trần của sảnh tiệc để hợp với xu hướng, đồng thời tạo nên nét mới lạ để thu hút khách hàng. Còn ở phân khúc bình dân, bên cạnh việc đưa ra giá cạnh tranh cho mỗi bàn tiệc, các trung tâm còn đưa ra nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, đại diện Riverside Palace cho biết, với sự chi tiêu ngày càng thông minh của khách hàng thì việc tổ chức các chương trình khuyến mãi đã trở nên kém hiệu quả so với việc giảm giá bàn tiệc và cắt giảm tối đa các chi phí đi kèm. Đó là lí do mà năm 2013 Riverside Palace đã bỏ đi hầu như toàn bộ các chương trình khuyến mãi, thay vào đó là đưa ra mức giá hấp dẫn cho mỗi bàn tiệc.


Trong khi hầu hết các trung tâm hội nghị, tiệc cưới đang kinh doanh tốt thì vẫn có không ít chủ đầu tư phải rời bỏ thị trường. Với Atlantic trên đường Điện Biên Phủ, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhà hàng này đã phải thay tên đổi chủ thành Saphire, nhưng tình hình kinh doanh cũng không mấy sáng sủa do địa điểm không thuận lợi. Bên cạnh đó là sự thất bại của nhà hàng Gió và Nước nằm trên đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6, một khu vực đông dân cư. Chủ đầu tư đã buộc phải sang nhượng lại cho một nhà đầu tư khác do kinh doanh ế ẩm.

Ông Nguyễn Đình Toàn, chuyên gia có thâm niên hơn 20 năm trong ngành khách sạn, nhà hàng thuộc Công ty M.I.N.H Hospitality Consulting nhận định, với tốc độ chạy đua như hiện nay, thị trường này sẽ sớm đi đến thời điểm bão hòa. Và cuộc chơi sẽ trở nên khốc liệt hơn với những chủ đầu tư mới, vì khi đó lợi nhuận ngành sẽ giảm đi đáng kể. “Nếu không cẩn trọng, thị trường kinh doanh nhà hàng tiệc cưới có thể sẽ chứng kiến cảnh khủng hoảng thừa như bất động sản mấy năm trước”, ông Toàn cảnh báo.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân online