Mới đây, Quỹ hỗ trợ trẻ em và trẻ vị thành niên đang gặp nguy hiểm (gọi tắt là ANAR) của Tây Ban Nha đã tạo nên một quảng cáo gây kì thú cho người xem và được chia sẻ trên khắp cộng đồng mạng.
Nội dung chính là về việc bạo hành trẻ em đang diễn ra không chỉ tại Tây Ban Nha mà trên các quốc gia khác. Poster nhằm mục đích khuyến khích các em nhỏ tự bảo vệ lấy mình trước thực trạng bạo hành. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để thông điệp bảo vệ trẻ em và thông tin về đường dây nóng tới được các em khi lúc nào cũng có người lớn kè kè bên cạnh, và rất có thể những người lớn này lại chính là những kẻ bạo hành trẻ em? Giải pháp đưa ra là “thông điệp ẩn dấu” được thiết kế rất tinh tế và tinh vi.
Người lớn hay bất kì ai cao trên 1m35 sẽ thấy được thông điệp “bề nổi” trên poster của ANAR “Đôi khi, chỉ những trẻ đang bị bạo hành mới thấy được việc bạo hành trẻ em”. Khi đọc nội dung này, đi kèm hình ảnh gương mặt một bé trai buồn rầu, người lớn sẽ nhìn nhận nó như bất kì thông điệp hay biểu ngữ nào về việc chống bạo hành trẻ em mà không nhận ra ẩn ý của câu nói. Chúng ta còn có thông điệp “chìm” trên tấm poster lại chỉ dành riêng cho đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi. Gương mặt bé trai hiện ra nhiều vết bầm dập do bị bạo hành, kèm theo là dòng nhắn nhủ “Nếu có ai đó đánh cháu, hãy gọi cho cô chú và các cô chú sẽ bảo vệ cháu”, và bên cạnh là đường dây nóng để trẻ có thể gọi khi cần.
ANAR đã sử dụng công nghệ vi thấu kính (lenticular), cho phép hình ảnh hiển thị khác nhau khi thay đổi góc nhìn. Qua tính toán về chiều cao trung bình của người lớn so với trẻ em, ANAR đã đặt đoạn hình thay đổi (thông điệp mới và những vết bầm trên mặt cậu bé) ở ngoài khoảng nhìn của người lớn, nhưng lại trong khoảng nhìn của trẻ. Do vậy, chỉ có góc nhìn của trẻ em mới thấy được thông điệp thật sự của poster này.
Hình ảnh poster
|