Những công ty từng ‘ôm mộng’ thâu tóm Facebook

Cập nhật 14/04/2014 16:30

Từ cá nhân cho đến các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Google đều từng muốn thâu tóm Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay với trên 1,3 tỷ người dùng trên toàn thế giới.

1. Nhà đầu tư dấu tên tại New York

Chỉ bốn tháng sau khi TheFacebook.com chính thức ra mắt và tháng 2/2004, một nhà đầu tư dấu tên đến từ New York đã ngỏ lời mua lại mạng xã hội này với giá 10 triệu USD. Tuy nhiên, con số 10 triệu USD có vẻ chưa đủ lớn để thuyết phục được ông chủ Mark Zuckerberg khi ấy mới 20 tuổi.

2. Mạng xã hội Friendster


Vào năm 2007, CEO của Friendster là Jim Scheinman tự tin tuyên bố với tờ VentureBeat rằng: "Chúng tôi sắp sửa thâu tóm công ty nhỏ mới được khởi nghiệp bởi các sinh viên Harvard nhưng chưa ai biết đến đó là TheFacebook".

Trên thực tế, cũng đã có một vài cuộc gặp gỡ trao đổi giữa lãnh đạo hai công ty về thương vụ mua bán này, tuy nhiên, cuối cùng Friendster cũng không đạt được ý định.

3. Google


Vào những ngày mới khởi nghiệp, CEO Facebook là Mark Zuckerberg và các đồng nghiệp đã thuê một căn hộ tại Palo Alto, California để ở trong suốt dịp hè năm 2004.

Palo Alto cũng là nơi đặt trụ sở chính của Google, chính vì thế, không lâu sau đó, hai nhà lãnh đạo cấp cao của Google đã hẹn gặp Mark Zuckerberg và đưa ra lời đề nghị mua lại. Tuy nhiên, Zuckerberg đã từ chối.

Đến năm 2007, Google tiếp tục cử đại diện thành viên hội đồng quản trị cấp cao là Tim Amstrong trực tiếp đến đàm phán với Facebook về thương vụ làm ăn mới, theo đó, họ sẽ chịu trách nhiệm quảng cáo toàn cầu cho Facebook với mức đầu tư 15 triệu USD. Thỏa thuận sau đó tiếp tục bị CEO Zuckerberg từ chối, nhưng danh tiếng của Facebook từ đó được đẩy lên một tầm cao mới.

4. Viacom, công ty chủ quản kênh truyền hình ăn khách MTV


Vào năm 2005, khi các nhà lãnh đạo Facebook đang đàm phán và kêu gọi đầu tư với công ty Washington Post (nay là Graham Holdings Company) thì Viacom nhảy vào với lời đề nghị mua lại ở mức giá không thể hấp dẫn hơn là 75 triệu USD, trong đó, riêng Zuckerberg sẽ nhận được 35 triệu USD.

Tuy nhiên, đồng sáng lập Facebook là Sean Parker khi đó đã đi một nước cờ cao tay khi dựa vào lời đề nghị quá hời của Viacom để gây sức ép, yêu cầu thêm một số điều khoản béo bở hơn trong thương vụ họ đang đàm phàn với The Washington Post Company.

Nhìn nhận được sức mạnh bùng nổ trong tương lai của Facebook, Viacom không chịu lùi bước, càng tỏ ra quyết tâm trong việc thương thảo để mua lại mạng xã hội này.

Sau cùng, vào mùa thu năm 2005, Zuckerberg đã bị "lay động" và trực tiếp tới New York để gặp Tom Freston, CEO Viacom để đàm phán. Đầu năm 2006, tiếp tục diễn ra cuộc gặp mặt giữa Zuckerberg và chủ tịch Viacom Michael Wolf.

Lần này, CEO Facebook không ngần ngại ra giá 2 tỷ USD cho công ty của mình. Hai tuần sau, Viacom quyết định chấp nhận mức giá mà Zuckerberg đưa ra, tuy nhiên, điều khoản thanh toán sẽ là trả trước 800 triệu USD, phần còn lại sẽ được trả sau.

Thỏa thuận tưởng như đã hoàn thành, tuy nhiên, phía lãnh đạo Facebook vẫn muốn số tiền ứng trước phải nhiều hơn 800 triệu, nhưng Viacom lại lo ngại mối nguy hiểm khi trả quá nhiều tiền cho một công ty khởi nghiệp khi đó lợi nhuận vẫn còn quá nhỏ, cuối cùng Viacom đã chủ động rút lui.

5. MySpace


Cũng trong năm 2005, Chris DeWolfe, CEO của MySpace đến gặp Zuckerberg và ban lãnh đạo Facebook để đưa ra lời đề nghị mua lại. Tuy nhiên, Zucherberg, Sean Parker và tham vấn viên Matt Cohler đã tiếp đón DeWolfe chỉ bởi lòng hiếu kỳ về MySpace.

Zuckerberg đề nghị mức giá 75 triệu USD, DeWolfe đã nói 'không'. Một năm sau đó họ lại gặp nhau, Zuckerberg lúc này đưa ra con số 750 triệu USD, CEO MySpace một lần nữa phải từ chối.

6. News Corp


Một công ty khác là News Corp cũng có ý định mua lại Facebook. Lời đề nghị này được chủ tịch News Corp lúc đó là Ross Levinsohn đưa ra vào tháng 1/2006. Tuy nhiên, cuộc đàm phán không dẫn đến bất kỳ kết quả nào.

7. NBC

Một nguồn tin cho biết, hãng thông tấn NBC cũng từng "ủ mưu" mua lại Facebook, tuy nhiên, sự việc này mới chỉ dừng lại ở mức độ tin đồn và NBC chưa có bất cứ hành động chính thức nào.

8. Yahoo


Vào mùa hè năm 2006, ban lãnh đạo Facebook gần như bị lay động trước lời đề nghị mua lại với giá 1 tỷ USD từ Yahoo. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, tính năng Bảng tin (News Feed) chuẩn bị cho ra mắt, Zuckerberg nói: "Nếu News Feed thành công, công ty chúng ta có giá hơn nhiều con số 1 tỷ USD".

Trong một diễn biến khác, vài tuần sau đó, Yahoo cử đại diện sang đàm phán lại, và mức giá đưa ra hạ xuống chỉ còn 850 triệu USD. Dĩ nhiên, với con số này, lãnh đạo Facebook không mất tới quá 10 phút để đưa ra lời từ chối.

9. AOL, Công ty cung cấp dịch vụ Internet


Giống như những công ty trước đó, lời đề nghị mua lại vào năm 2006 của AOL cũng bị ban lãnh đạo Facebook từ chối.

10. Microsoft


Vào năm 2007, lo sợ trước nguy cơ Facebook rơi vào tay Google, CEO Microsoft là Steve Ballmer đã đưa ra lời đề nghị mua lại với giá 15 tỷ USD với Zuckerberg. Tuy nhiên, Ballmer cũng hiểu rằng, sẽ rất khó để thuyết phục Zuckerberg từ bỏ quyền điều hành đối với đứa con tinh thần của mình, do đó, ông đã đưa ra lời đề nghị hấp dẫn hơn.

Theo đó, Microsoft sẽ nắm giữ cổ phần có giá trị 15 tỷ USD của Facebook, tuy nhiên, cứ sau mỗi 6 tháng, sẽ chỉ được mua không quá 5% số cổ phần này. Cứ như thế, thời gian để hoàn tất thương vụ cũng phải mất từ 5 – 7 năm.

Tuy thương vụ kể trên chưa từng xảy ra, nhưng cuối cùng Microsoft cũng đã mua được 1,6% cổ phần của Facebook với giá 250 triệu USD, cùng với đó là điều khoản yêu cầu Facebook phải thông báo chính thức tới Microsoft bất cứ khi nào Google ngỏ ý mua lại.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ / BusinessInsider