McDonald's và Coca-Cola trước mối lo từ ngày tàn fastfood

Cập nhật 20/11/2014 14:59

Hai gã khổng lồ trong lĩnh vực đồ uống và đồ ăn nhanh đang chứng kiến sự suy giảm lợi nhuận đáng lo ngại từ việc thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng.


Tờ News.com.au cho biết, bệnh viện Truman Medical Centres (TMC) ở Kansas, Mỹ đã không còn tiếp tục phục vụ đồ ăn nhanh trong nhà ăn của họ, sau khi kết thúc hợp đồng với McDonald's năm 2012 - sớm hơn 2 năm so với dự kiến.

Tại Kentucky, bệnh viện Kosair Children's vốn đã phục vụ các loại Big Mac và Chicken McNugget cho bệnh nhân kể từ khi mở cửa năm 1986 nay cũng đã dừng lại, giống như TMC.

Thái độ đảo chiều của các bệnh viện tại Mỹ đối với sản phẩm của McDonald's gửi đến một thông điệp, đó là tình yêu với đồ ăn nhanh của người dân xứ cờ hoa đã phai nhạt, khi họ ngày càng nhận thức được lợi ích của việc ăn uống tốt hơn.

Giám đốc điều hành của TMC, John Bluford từng phát biểu: "Thức ăn nhanh có chỗ đứng riêng của nó, nhưng tôi không chắc rằng vị trí ấy là nằm trong bệnh viện. Chúng tôi nghĩ rằng mình phải thay đổi trò chơi một chút và cần tạo ra một văn hóa sức khỏe. Đó là quyết định được đưa ra dựa trên lợi ích về sức khỏe và cũng là sứ mệnh, sứ mệnh cải thiện sức khỏe cho toàn bộ cộng đồng của chúng ta".

Thay đổi thị hiếu

Doanh số bán hàng của McDonald's tại Mỹ giảm 3,3% trong quý cuối cùng. Mức tiêu thụ nước giải khát cũng giảm mạnh đến cấp độ của năm 1995, theo thống kê của Beverage Digest.


Tính trung bình, mỗi năm mỗi người Mỹ uống khoảng 200 lít nước ngọt kể từ năm 1998, song năm ngoái con số này chỉ còn 166 lít.

Sự sụt giảm càng đáng lưu ý hơn đối với các loại nước giải khát không đường, với con số 6% do những lo lắng khởi nguồn từ các nghiên cứu chỉ ra rằng một vài chất ngọt tổng hợp có thể gây bệnh ung thư.

Keith-Thomas Ayoob, giáo sư tại đại học Albert Einstein College of Medicine, New York cho biết: "Đang có một sự thay đổi nhận thức về thực phẩm được sản xuất hàng loạt và thực phẩm chế biến thủ công hay trong các hộ gia đình."

Nói về sự thay đổi này, Sriram Madhusoodanan, một trong những người tổ chức chiến dịch chống đồ ăn nhanh mang tên: "Value Meal" tại Mỹ: "Người tiêu dùng muốn thấy mình đang thực hiện những điều lành mạnh và ăn uống lành mạnh hơn. Ngày càng có nhiều người Mỹ nhận thấy mối liên hệ giữa đồ ăn nhanh và nước ngọt, và những vấn đề sức khỏe như béo phì hay tiểu đường."

Chiến dịch này đang thu được khá nhiều thành công dù phải chống lại ngành công nghiệp rất hùng mạnh. Thành phố San Francisco đã yêu cầu các chuỗi bán đồ ăn nhanh phải thêm các món ít đường và muối như rau và hoa quả khi phục vụ trẻ em.


Những chiến dịch tương tự như trên đang cho thấy những kết quả tích cực: Trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ trong tháng 2 cho hay tỷ lệ béo phì ở trẻ từ hai đến năm tuổi đã giảm 43% so với thập kỷ trước. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều việc phải làm khi khoảng 2/3 số người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành vẫn ở trong tình trạng thừa cân.

Christopher Gindlesperger, người phát ngôn của Hiệp hội đồ uống Mỹ lại có cái nhìn khác về vai trò của nước ngọt đối với tình trạng này. Ông cho hay, cùng với sự phổ biến của các loại nước giải khát ít đường, lượng đường tiêu thụ từ nước ngọt đã giảm 40% trong 10 năm qua:

"Các bệnh liên quan đến đường là rất nghiêm trọng và phức tạp. Nếu bạn nhìn vào các thống kê của chính phủ, bạn sẽ thấy lượng calo người Mỹ thu nạp từ nước ngọt chỉ là một phần nhỏ khi so với tổng thể. Chúng tôi trao cho khách hàng quyền được lựa chọn điều tốt nhất cho họ".

Lựa chọn mới

Sự thành công của chuỗi cửa hàng Chipotle Mexican Grill cho thấy một diện mạo mới của chế độ ăn uống của người Mỹ. Được thành lập năm 1993, Chipotle quảng cáo rằng nó chỉ sử dụng loại thịt không hoóc-môn và rau quả hữu cơ.

"Ngay từ khi bắt đầu, Chipotle đã sử dụng những nguyên liệu tươi chất lượng cao và chế biến tất cả các món ăn chúng tôi phục vụ. Tức là ngay từ đầu, chúng tôi đã thực hiện một điều rất khác biệt so với những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh của Mỹ", trích phát biểu của Chris Arnold, phát ngôn viên của Chipotle khi trả lời AFP.


Các chuỗi đồ ăn nhanh cũng đang tìm cách đáp lại áp lực từ phía cộng đồng và thị trường. McDonald's đã loại bỏ một số điều khoản về nhượng quyền thương mại để các cửa hàng địa phương có thể tạo thêm menu mới, phục vụ khách hàng tùy theo thị hiếu. Còn các công ty như Coca-Cola hay Pepsi thì tập trung hơn vào mảng nước giải khát không đường. Với riêng Madhusoodanan, sự thay đổi này sẽ thực sự đến khi McDonald's dừng việc hấp dẫn trẻ em bằng các món đồ chơi để bán bữa ăn "Happy Meals" của hãng.

Nói về vấn đề này, John Bluford cũng nhận định: "Họ đang thay đổi, họ sẽ phải thay đổi bởi lẽ công chúng đang yêu cầu như vậy".


DiaOcOnline.vn - Theo Zing