Dù chưa chính thức xuất hiện nhưng McDonalds, bằng quy mô và tiềm lực của mình, đang khiến thị trường thức ăn nhanh (fast food) tại Việt Nam có cuộc chạy đua ngầm quyết liệt.
Cửa hàng McDonalds đầu tiên sẽ ở đâu?
Độ nóng của ba từ "thức ăn nhanh" càng tăng lên khi ngày 15/7, McDonalds Global phát đi thông cáo, ông Nguyễn Bảo Hoàng (người đang dẫn dắt Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam) trở thành đối tác nhượng quyền phát triển thương hiệu này tại Việt Nam, thông qua Công ty Good Day Hospitality.
Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là McDonalds sẽ mở nhà hàng ở đâu? Trả lời phỏng vấn Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Bảo Hoàng từng bày tỏ "khó khăn lớn nhất của McDonalds khi xuất hiện ở thị trường Việt Nam là địa điểm".
Theo đó, vị trí đặt cửa hàng phải phù hợp với đối tượng khách của McDonalds là gia đình nên cần chỗ đông dân, những khu có nhiều gia đình sinh sống. Trong khi trước ngày McDonalds vào Việt Nam, giới săn mặt bằng rỉ tai nhau rằng, thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng này sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở quận 10 và Gò Vấp.
Tuy nhiên, gần đây, mọi nghi ngờ đổ dồn về một khu đất rất đắc địa tại quận 1, còn gọi là khu "mũi tàu" kẹp giữa đường Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão (cạnh công viên 23/9).
Tòa nhà 4 tầng nằm đầu "mũi tàu" từng là cửa hàng của Lê Bảo Minh (phân phối Canon), sau đó là Samsung, nhưng nay đã được đập dỡ và dựng rào.
Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực bất động sản, đây là vị trí "có một không hai" vì lưu lượng giao thông qua lại khu này là 10 xe/giây (cao gấp 2 - 3 lần nhiều đoạn đường trong trung tâm), lòng đường rộng gấp ba lần các đường khác, dẫn thẳng đến chợ Bến Thành và khu vực trung tâm (CBD); đồng thời là điểm đầu của trạm xe buýt trung tâm Thành phố.
Nếu quả thực, đây là cửa hàng của McDonalds trong tương lai thì chắc chắn nó không thua gì chuyện Starbucks ra mắt cửa hàng đầu tiên trong khách sạn New World, ngay ngã sáu Phù Đổng.
Ngoài ra, theo một nguồn tin riêng, McDonalds cũng đã cơ bản có được hai mặt bằng khác tại TP.HCM, trong đó, một nhà hàng ở Tân Phú sẽ có diện tích lớn tương ứng với mô hình nhà hàng có chỗ đỗ xe như McDonalds ở Mỹ.
Dù đến sau nhưng rõ ràng hãng thức ăn nhanh hàng đầu thế giới này đã khiến thị trường thêm náo nhiệt, chí ít là trong "cuộc chiến" tìm vị trí đẹp.
Những cung đường fast food
Về vấn đề cạnh tranh mặt bằng, có thể mượn hình ảnh ngành điện máy để bắt đầu câu chuyện. Theo đó, trong bán kính chưa đầy 2 km thuộc khu vực đường Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) đã có đến ba nhà bán lẻ điện máy cùng khai thác nguồn khách hàng là Đệ Nhất Phan Khang, Pico và Nguyễn Kim.
Cũng ngay đường Cộng Hòa (Tân Bình), "cuộc chiến" fast food không hề yên ả với sự hiện diện khá đầy đủ các thương hiệu như: Burger King, Domino Pizza, Pizza Inn, Pizza Hut, KFC, Lotteria, Carls Jr.
Thậm chí, đoạn đường Cộng Hòa giao với Trường Chinh, dù khoảng cách tương đối ngắn nhưng đã có Lotteria "án ngữ" mặt Cộng Hòa, trong khi ở khúc giao Trường Chinh là sự xuất hiện của KFC.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ đến hết tháng 8/2013, mặt bằng cửa hàng của KFC sẽ thuộc về Lotteria. Cung đường Trần Hưng Đạo bắt đầu từ chợ Bến Thành đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ (quận 1) cũng được liệt vào dạng "đua tốc độ" của fast food, nếu mọi chuyện theo đúng như dự báo.
McDonalds sẽ bọc đầu đường Trần Hưng Đạo (mặt Bến Thành), cách đó không xa là Lotteria (ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo), đến các cửa hàng họ Pizza và ngay nút chặn với Nguyễn Văn Cừ, KFC và Jollibee chính thức "mặt đối mặt".
Đề cập đến vấn đề tìm mặt bằng mở rộng chuỗi thức ăn nhanh, ông Trương Hàm Liêm, Giám đốc Tiếp thị Lotteria, cho rằng, mặt bằng ngày càng khan hiếm, đặc biệt là những khu đất nằm ngay ngã ba, ngã tư.
Hơn nữa, những người cho thuê hiện nay đa phần nắm "đằng cán" khi ra điều kiện hợp đồng cho thuê chỉ trong vòng 3 năm, thay vì 5 năm như trước.
Theo ông Liêm, cũng tùy vào từng vị trí mà bên thuê sẽ chấp nhận điều kiện này vì rất hiếm khi xảy ra trường hợp cửa hàng "thắng" ngay trong năm đầu tiên mở ra; phần còn lại đều có lãi sau hơn 3 năm đi vào hoạt động.
Nhìn vào thế trận cạnh tranh về vị trí mở cửa hàng của các hãng fast food có thế thấy, sự "dậy sóng" này ra mạnh mẽ ở khu vực trung tâm quận 1, 3 và quận 10, những khu vực có mật độ lưu thông cao, nhiều du khách, mật độ cư dân đông đúc và có nhiều cao ốc văn phòng cũng như trung tâm thương mại.
Song, cũng tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh lẫn việc định vị khách hàng mục tiêu mà các nhà điều hành chuỗi fast food tại thị trường TP.HCM sẽ có sự chọn lựa vị trí phù hợp để mở cửa hàng.
Chẳng hạn, theo chia sẻ từ phía Subway, với 3 cửa hàng trước đây, Subway chủ yếu hướng đến khách du lịch, dân văn phòng nên mở ở trung tâm thương mại Kumho Link, quận 1, Phạm Ngũ Lão, Hồ Tùng Mậu nhưng bắt đầu từ cửa hàng thứ 4 (tại khuôn viên Trường Đại học RMIT), họ sẽ nhắm vào khai thác các khu vực gần trường học và trong phạm vi có nhiều chung cư... để chủ yếu nhắm đến nhu cầu ăn uống của các gia đình vào dịp cuối tuần.
Riêng Lotteria, qua các chương trình khuyến mãi có thể thấy thương hiệu này đang hướng đến khách hàng mục tiêu là "tuổi teen", mở cửa hàng thông qua nhiều hình thái khác nhau, từ các con đường có mật độ lưu thông cao, khu dân cư, các góc đường cho đến gần các trung tâm thương mại.
Còn KFC lại là lựa chọn của những ai thích hương vị và hình ảnh thương hiệu gà rán truyền thống, đó là các bà mẹ và trẻ em. Nhưng xét về vị trí đặt cửa hàng, có vẻ giữa KFC và Lotteria không mấy khác biệt vì cả hai đang chia nhau hai vị trí dẫn đầu thị trường Việt Nam (về số lượng cửa hàng và doanh số) nên sẽ so kè nhau từng centimet.
Ngược lại, sự xuất hiện của Carls Jr. gần đây tại Pico Plaza (sau khi ra mắt ở Vincom Center B, quận 1) và khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho thấy, chuỗi fast food đến từ Mỹ này chuộng mặt bằng ở trung tâm thương mại và các khu dân cư cao cấp.
Tuy nhiên, một khi các mặt bằng tương ứng với chiến lược kinh doanh của họ khan hiếm, chắc chắn sự mở rộng các mô hình cửa hàng là điều khó tránh khỏi. Khi đó, cuộc chiến giành mặt bằng sẽ càng thêm kịch tính.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài Gòn