Mango được coi là một biểu tượng cho Tây Ban Nha, giống như thương hiệu Zara, nhưng lại có rất nhiều nét khác biệt so với Zara.
Trong thế giới thương hiệu, không có thương hiệu nào cụ thể và hình tượng đến mức dễ bị nhầm lẫn thành thứ khác như Mango. “Mango” là tên chung của một loại hoa quả trong tiếng Anh, theo nghĩa tiếng Việt là quả xoài.
Khởi nghiệp từ việc bán 2 áo sơ mi
Xoài mọc ở nhiều nơi trên thế giới và được cho là đã xuất hiện trên trái đất cách đây 5.000 năm. Loại hoa quả nhiệt đới này rất được ưa chuộng, vì thế mà tên của nó đã được một chàng trai Tây Ban Nha gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống ở thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) sử dụng làm tên thương hiệu cho sản phẩm của mình vào năm 1984.
Đó là chàng thanh niên Isak Andic. Phi vụ kinh doanh đầu tiên được Isak thực hiện khi còn ở tuổi vị thành niên là bán 2 chiếc áo sơ mi với mức giá tương đương 12 Euro theo tỷ giá hiện tại, sau khi đã mua chúng về với giá chỉ bằng một nửa. Khoản lãi này tuy nhỏ nhưng lại có giá trị và ý nghĩa tinh thần to lớn đối với anh chàng này. Về sau, chính Isak Andic thổ lộ là từ đó anh rút ra được hai bài học cho mình: thứ nhất, có thể làm giàu từ buôn bán và thứ hai, muốn trở nên giàu thì nên buôn bán sản phẩm của chính mình hơn là làm đại lý bán hàng của người khác. Từ đó, Isak Andic vừa kinh doanh theo kiểu “cò con” lấy ngắn nuôi dài, vừa dò dẫm thiết kế sáng tạo thời trang riêng. Năm 1984, Isak Andic và anh trai cùng nhau mở cửa hiệu thời trang riêng, lấy tên hiệu là Mango. Thời trang Mango đã nhanh chóng chinh phục được đối tượng khách hàng mà hãng hướng tới là phụ nữ. Isak dùng thành phố Barcelona và khu vực ngoại ô làm đại bản doanh, sau đấy từng bước mở rộng ra thị trường thế giới một cách liên tục.
Ngày nay, sản phẩm Mango được bày bán ở 109 quốc gia trên thế giới, hiện diện trong 2.415 cửa hiệu và mang lại cho những chủ nhân của nó doanh thu hơn 1,5 tỷ Euro hàng năm, với 82% trong số đó từ các thị trường nước ngoài. Hai anh em Andic hiện nắm gần 95% cổ phần của công ty. Mango trở thành thương hiệu thời trang lớn thứ hai và sáng giá thứ hai ở Tây Ban Nha, chỉ đứng sau Zara.
Từ chỗ bán có 2 chiếc áo sơ mi, hai anh em nhà Andic đã gây dựng nên thương hiệu lớn như ngày nay. Logo Mango về hình thức là bản sao của ký hiệu bao bì dùng để vận chuyển loại hoa quả này từ các nước ở cực Nam trái đất, nhưng về sau được chỉnh sửa cho mềm mại và “nữ tính” hơn. Isak Andic chọn tên thương hiệu này còn với ẩn ý, thương hiệu phát triển trường tồn như sự tồn tại cả mấy ngàn năm cho đến nay của loại hoa quả này. Hơn nữa, xoài có mặt và được ưa chuộng ở mọi nơi trên thế giới, ở đâu cũng có cùng tên gọi và rất dễ nhận biết.
Giống Zara và khác Zara
Mango giống thương hiệu Zara ở ba điểm. Thứ nhất đều có gốc Tây Ban Nha và mang bản sắc Tây Ban Nha rõ nét. Thứ hai là cùng triết lý kinh doanh – làm ra những sản phẩm thời trang cho phụ nữ (sau này cho cả nam giới) với giá cả hợp lý, vừa túi tiền của đông đảo người tiêu dùng. Thứ ba, cả hai cùng sử dụng những người mẫu nổi tiếng để quảng bá cho họ.
Tuy nhiên, Mango có nhiều khác biệt so với Zara và đó đều là những bí quyết thành công riêng của thương hiệu này. Thời trang Mango nhắm tới đối tượng có tuổi lớn hơn lứa tuổi thanh niên một chút, nói cách khác là người lớn nhiều hơn là thanh niên, chín chắn nhiều hơn là bồng bột, sâu lắng nhiều hơn là nông nổi. Ý đồ ở đây là chuyển tải thông điệp người sử dụng thời trang Mango được coi là người thực sự hiểu biết về thời trang, thực sự ý thức được thời trang nào hợp thời thế và chính mình. Nghĩa là thương hiệu này giúp khách hàng đến được với thời trang đích thực và làm cầu nối để thời trang cá nhân phù hợp với thời trang theo xu thế chung. Mango còn giúp cho người phụ nữ thể hiện được nét tươi trẻ, duyên dáng, không phô trương lộ liễu mà vẫn luôn ẩn hiện, gợi cảm một cách kín đáo và tự nhiên, hiện đại và tự tin. Bộ sưu tập thời trang của Mango được thực hiện cho từng mùa trong năm chứ không phải hai lần trong năm như đại đa số các thương hiệu thời trang khác.
Mango còn rất khác Zara về phương diện tổ chức và quản lý. Anh em nhà Andic rất coi trọng việc gây dựng và duy trì “bầu không khí gia đình” trong doanh nghiệp, thân thiện và bình đẳng nhiều hơn là cách tổ chức doanh nghiệp nặng về đẳng cấp trên dưới, vốn rất đặc thù trong giới thương gia ở Tây Ban Nha. Sự gắn bó đến mức được coi là tính trung thành của nhân viên với doanh nghiệp và thương hiệu, được Mango coi là một trong những bí quyết thành công quan trọng nhất của mình. Thành viên ở tất cả các cấp quản lý doanh nghiệp gần như đều là người đồng hành với anh em nhà Andic từ khi mới khởi nghiệp, hoặc đã cộng tác với họ từ rất nhiều năm nay. Những chỗ làm việc trống ở các cấp quản lý đều được ưu tiên trước hết dành cho người đang làm việc cho doanh nghiệp. Khác với Zara, Mango không tự sản xuất những mẫu thiết kế thời trang của chính mình mà cho sản xuất ở các nơi khác. Công ty Mango chỉ sở hữu 40% số cửa hiệu Mango trên thế giới. Hãng cũng không thành lập văn phòng đại diện hay chi nhánh ở nước ngoài mà tập trung tất cả ở Barcelona và vùng ngoại ô thành phố này.
Mọi quyết định trong việc điều hành hàng ngày đều xuất phát từ đây. Các cửa hiệu của Mango đều được cung ứng sản phẩm mới hàng tuần. Khác Zara, Mango không có ý định đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán, bởi họ không muốn bị lệ thuộc vào cổ đông và phó mặc số phận cho những biến động trên thị trường chứng khoán. Một điểm khác biệt nữa ở Mango là hãng đã xâm nhập được vào “trái tim” của thế giới Hồi giáo là hai thánh địa Mekka và Medina. Đây là việc mà Zara chưa làm được.
DiaOcOnline - Theo Doanh Nhan Online