Bí quyết “5 chữ P” của Mark Zuckerberg

Cập nhật 13/03/2013 13:20

Khi Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook, trở thành người giàu thứ 29 trên thế giới và tỷ phú tự tay gây dựng cơ đồ trẻ thứ nhì trong năm 2012, nhiều người cảm thấy vừa ấn tượng lại vừa hồ nghi.

Nhìn bề ngoài, Zuckerberg không có những biểu hiện của một doanh nhân điển hình, nhưng có một điều chắc chắn là không ai có thể ngẫu nhiên xây dựng được một trang web với 1 tỷ người sử dụng.

Trang CNBC cho biết, trong cuốn sách mang tựa đề “Think Like Zuck: The Five Business Secrets of Facebook's Improbably Brilliant CEO Mark Zuckerberg” (Tạm dịch: “Nghĩ như Zuck: 5 bí mật kinh doanh của vị CEO Facebook lỗi lạc Mark Zuckerberg), tác giả Ekaterina Walter đã nói về những bí quyết đi tới thành công của tỷ phú trẻ tuổi này, gói gọn trong 5 từ bắt đầu bằng chữ “P”, bao gồm Passion (niềm đam mê), Purpose (mục đích), People (con người), Product (sản phẩm), và Partnerships (đối tác).


Passion (Niềm đam mê)

Điểm chung của tất cả những vị CEO thành công nổi tiếng trên thế giới như Mark Zuckerberg của Facebook, Richard Branson của Virgin, Tony Hsieh của Zappo, Blake Mycoskie của TOMS, hay James Dyson của Dyson là họ đều có niềm đam mê lớn. Đối với Zuckerberg, niềm đam mê đó là kết nối mọi người.

“Nhiều nguyên tắc nền tảng của Facebook là nếu mọi người được tiếp cận nhiều hơn với thông tin và được kết nối nhiều hơn, thì thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn, mọi người sẽ hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Đó là nguyên tắc chỉ đường của tôi”, Zuckerberg từng nói.

James Dyson, CEO của tập đoàn sản xuất máy hút bụi Anh quốc Dyson, là một kỹ sư và nhà thiết kế công nghiệp. Niềm đam mê của ông là thay đổi những thiết kế đã có để làm chúng trở nên tốt hơn. Hiện ông sở hữu giá trị tài sản 2,3 tỷ USD.

Đam mê đem đến cho con người sự kiên nhẫn để đạt tới thành công, cho dù họ có gặp trở ngại gì. James Dyson đã phải tạo ra 5.172 mô hình khác nhau trước khi thiết kế được một chiếc máy hút bụi không túi hoàn hảo.

Bài học rút ra ở đây là, hãy hợp tác và tìm ra những con người có niềm đam mê. Họ chính là những người sẽ chinh phục các đỉnh núi, xoay chuyển tình thế, và đem đến những giải pháp sáng tạo nhất.

Purpose (Mục đích)

Facebook không chỉ là một sản phẩm đơn thuần, đó là cách kết nối xã hội đã thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người. Mục đích của Zuckerberg là tạo ra một thế giới cởi mở, minh bạch hơn và tạo ra kết nối giữa mọi người. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tầm không chỉ bán sản phẩm, họ đem tới những cách thức mới cho các vấn đề, và đó là mục đích mà công ty của họ hướng tới.

Khi Blake Mycoskie thành lập công ty TOMS, sứ mệnh của ông không phải là để sản xuất giày mà là để giúp đỡ trẻ em ở các nước đang phát triển. Với mục đích như vậy, TOMS đến nay đã tài trợ hàng triệu đôi giày cho trẻ em ở hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Tất cả những việc mà Facebook làm, từ những nhân viên mà công ty này tuyển dụng, cho tới dịch vụ khách hàng mà công ty cung cấp, môi trường làm việc của công ty, cách thức tung ra các sản phẩm mới… đều dựa trên mục đích rõ ràng được truyền tải tới mọi cấp trong công ty.

Tác giả Ekaterina Walter cho rằng, để đạt tới thành công, mỗi công ty cần hiểu rõ được mục đích tồn tại của mình và đi theo mục đích đó mỗi ngày.

People (Con người)

Một nhà lãnh đạo có thể có tầm nhìn, nhưng văn hóa của một công ty được xây dựng dựa trên đội ngũ nhân viên của công ty đó. Khi tuyển dụng nhân sự, Facebook không chỉ chọn những người giỏi nhất cho công việc, mà còn chọn những người phù hợp với văn hóa của công ty. “Hacker Way” (“phong cách hacker) là thứ thống trị ở Facebook. Đó là phương pháp sáng tạo nhanh chóng và liên tục mà tất cả mọi nhân viên cùng theo đuổi.

Cấu trúc quản lý dạng phẳng của Facebook đồng nghĩa với việc nhân viên được trao quyền lực để tạo ra những thay đổi và xây dựng ý tưởng của họ. Nhân viên Justin Rosenstein từng miêu tả Facebook là “một công ty với 60 kỹ sư mà làm được những việc mà những nhóm 600 người không thể làm được… Đó là sự tổng hòa gọn gàng của chiến lược từ trên xuống và phát triển sản phẩm từ dưới lên ở Facebook”.

Bài học ở đây: Tìm đúng người, những người có niềm đam mê đối với mục tiêu mà công ty đề ra, những người sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của họ để giúp công ty thành công. Sau đó, để cho họ tự do đưa ra quyết định và trao quyền cho họ dấn thân vào những rủi ro.

Product (Sản phẩm)

Một thiết kế sản phẩm đơn giản và đẹp mắt là đã đủ để hãng Apple có chìa khóa cho sự thống lĩnh thị trường. Tương tự, Facebook đã luôn phấn đấu để xây dựng “sản phẩm tốt nhất và đơn giản nhất để mọi người chia sẻ thông tin dễ dàng nhất”, Zuckerberg từng nói. Facebook liên tục tinh gọn quy trình chia sẻ thông tin đó, và điều này thúc đẩy những sáng kiến lớn nhất của họ trong những năm qua.

Zuckerberg đặt trọng tâm vào sản phẩm trước rồi mới lo tới vấn đề doanh thu. Anh thậm chí đã từ chối lời chào mua Facebook 1 tỷ USD từ Yahoo vào năm 2006 vì anh quyết tâm đem sản phẩm của mình tới mọi người trên thế giới.

Bài học: Những công ty thành công nhất thế giới chú trọng sản phẩm trước đã, rồi mới đến doanh thu.

Partnerships (Đối tác)

Một trong những thế mạnh then chốt của Zuckerberg với vai trò lãnh đạo là anh biết những hạn chế của anh. Việc chiêu mộ Sheryl Sandberg, Giám đốc hoạt động của Facebook, theo Zuckerber “là trung tâm của tăng trưởng và thành công của chúng tôi qua các năm”. Thiết lập được mối quan hệ đối tác đúng đắn, có thể là với các nhà đầu tư, ê kíp quản lý, hoặc nhà cung cấp, đều có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ công ty nào.

Việc có các đối tác đúng đắn ở bên giúp Zuckerberg tự do phát huy thế mạnh của mình, bao gồm trí tưởng tượng, sự sáng suốt, và tầm nhìn. Mọi công việc lãnh đạo công ty để đạt tới thành công về tài chính đều giao cho Sandberg. Đó là một quan hệ đối tác hiệu quả.

Bài học ở đây là, không ai giỏi tất cả mọi thứ. Hãy tìm những đối tác tin tưởng vào sứ mệnh của bạn và bổ sung cho các kỹ năng của bạn.

Với vai trò một nhà lãnh đạo công ty, Zuckerberg đã đưa tầm nhìn của anh vào mọi khía cạnh của Facebook, từ văn hóa làm việc, cách sáng tạo không ngừng nghỉ, các mối quan hệ đối tác và các vụ thâu tóm. Anh có thể không phải là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp truyền thống, nhưng niềm tin không thể lay chuyển của anh vào sứ mệnh của Facebook và tầm nhìn dài hạn của anh đã đóng vai trò then chốt cho sự thành công của mạng xã hội này.

DiaOcOnline.vn - Theo Vneconomy