3 vấn đề của Travis Kalanick

Cập nhật 03/07/2017 11:04

Khởi nghiệp thành công đã khó, giữ cho công ty tiếp tục phát triển, chinh phục những đỉnh cao mới là một việc còn khó hơn gấp bội.


Là một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất ở Mỹ (sau 8 năm thành lập, Uber hiện được định giá khoảng 6,5 tỉ USD), Uber của Travis Kalanick từ lâu đã được xem là biểu tượng, là hình mẫu cho giới khởi nghiệp. Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy 6 tháng rơi vào khủng hoảng (cuộc khủng hoảng nhân sự được cho là bùng nổ vào tháng 2/2017, khi Susan Fowler, một cựu nhân viên của Uber nêu lên những sai trái trong bộ máy nhân sự của hãng) khiến doanh thu lẫn hình ảnh thương hiệu bị đe dọa nghiêm trọng, vào hạ tuần tháng 6/2017, Travis Kalanick đã chính thức phải rời khỏi vị trí giám đốc điều hành (CEO) của Uber.

“Tôi yêu Uber hơn tất cả mọi thứ trên thế giới này. Thế nhưng trong giai đoạn như hiện nay, tôi phải chấp nhận yêu cầu ra đi từ các nhà đầu tư, để Uber có thể tiếp tục phát triển, thay vì lại vướng vào một cuộc chiến khác” – Travis Kalanick tiếc nuối chia sẻ.

Có thể trong tương lai, Travis Kalanick sẽ còn quay lại dẫn dắt Uber, như cách Steve Jobs quay lại để tạo dựng Apple thành một đế chế. Tuy nhiên, sự ra đi của Travis tại thời điểm hiện tại, được giới phân tích lý giải bởi 3 vấn đề cốt lõi mà không ít nhà quản trị cũng thường mắc phải:

Trong kinh doanh, không có phương pháp nào luôn luôn đúng

Kinh doanh không đơn giản như làm toán. Chúng ta không thể áp dụng mãi một công thức và mong nó sẽ mãi thành công, bởi một kết quả thường bị tác động từ vô vàn yếu tố khác, như đối thủ cạnh tranh, nhu cầu của khách hàng, biến động thị trường…

Và điều từng giúp Travis Kalanick tạo dựng cho Uber những bước đi thần tốc khi mới ra đời, một triết lý kinh doanh mạnh mẽ và táo bạo, một tư tưởng sẵn sàng phá bỏ mọi luật lệ và không bao giờ chịu lùi bước, tới mức cực đoan, sau này lại khiến Uber trở thành một môi trường làm việc được xem là quá mức hung hăng.

“Điểm mạnh nhất chúng ta có thể thấy được từ Travis, đó là anh ấy sẽ vượt qua mọi bức tường để hoàn thành các mục tiêu của mình. Còn điểm yếu lớn nhất của Travis, là anh ấy sẽ vượt qua mọi bức tường để hoàn thành các mục tiêu của mình” – tỉ phú Mark Cuban, doanh nhân và nhà đầu tư sở hữu khối tài sản hơn 3,4 tỉ USD (theo ghi nhận của tờ Forbes) đã nhận xét trên tờ The New York Times.

Cũng theo một cuộc phỏng vấn nhanh 50 cựu nhân viên, nhà đầu tư và những người từng làm việc, tiếp xúc với Travis Kalanick, thì họ đều ghi nhận rằng, vị giám đốc 41 tuổi này thực sự gặp vấn đề về chiến thắng. Theo đó, Travis luôn muốn chiến thắng ở bất cứ thứ gì ông đặt tâm trí vào, và sẽ tìm ra cách để chiến thắng bằng bất cứ giá nào.

Đừng quên đi thế mạnh bản thân

Theo Richard Branson (nhà sáng lập Tập đoàn Virgin, vị tỉ phú với khối tài sản ước tính khoảng 4,9 tỉ USD) thì Travis cần đặt mình ra khỏi công việc vài ngày, để có một khoảng thời gian nghỉ ngơi, giúp bản thân có thể nhìn lại mình, hiểu mình thực sự là ai.

“Một doanh nhân thường không phải là một người giỏi trong việc quản lý con người – Richard Branson nhìn nhận – Và thực sự Travis Kalanick không phải là người quản lý tốt như chúng ta vẫn nghĩ. Cậu ấy lẽ ra nên nhận thấy điều này từ lâu, và tập trung làm những gì cậu ấy giỏi nhất, đam mê nhất, thay vì để công việc cuốn đi và lao vào những thứ không phải thế mạnh”.

Cũng theo Richard Branson, giới doanh nhân khởi nghiệp cũng cần phải hiểu một điều, đó là thế giới luôn có những người tài giỏi hơn mình ở một số lĩnh vực khác, và thuê được những người ấy mới là cách tạo dựng một công ty vững mạnh.

“Hãy tìm ai đó tốt hơn bạn, ai đó thực hiện những việc bạn đang làm giỏi hơn bạn, và trao quyền cho họ. Có thể cách họ làm và cách họ nghĩ không giống như bạn hình dung, nhưng hãy cứ để họ thực hiện công việc. Điều quan trọng là họ yêu nó, và họ có thể làm nó cả ngày” – Richard Branson chia sẻ.

Không ngại việc yêu cầu sự giúp đỡ

Là doanh nhân và là nhà điều hành, chúng ta luôn phải thể hiện thái độ cứng rắn với đối tác, phải là chỗ dựa cho nhân viên, phải chịu hàng trăm áp lực khác nhau từ mọi phía. Vì thế, đa phần nhà điều hành thường cố gắng thể hiện sự mạnh mẽ, cố gắng chịu đựng một mình mọi việc và rất ít khi chia sẻ, ít khi bộc lộ bản thân dù cần sự giúp đỡ.

Keith Ferrazzi, doanh nhân người Mỹ, tác giả quyển sách Never Eat Alone (tạm dịch: Đừng bao giờ đi ăn một mình, sách nằm trong danh mục sách bán chạy nhất – National Bestseller của Mỹ), đã miêu tả khoảnh khắc đó như sau:

“Nó giống như bạn đang ở giữa hồ bơi, và xung quanh có hàng trăm người đang nói chuyện vui đùa. Bạn không biết bơi, nhưng bạn không kêu cứu, không vẫy tay ra hiệu, cũng không làm bất cứ điều gì. Bạn cứ thế chìm dần, cho tới khi quá muộn để kêu cứu”.

Chris Sacca, nhà đầu tư với khối tài sản ước tính khoảng 1,21 tỉ USD, là một trong những nhà đầu tư đầu tiên rót vốn vào Uber, người từng có một thời gian dài không mấy hài lòng với cách điều hành của Travis Kalanick mỗi lần hai người gặp gỡ, đã thấy được sự thay đổi lớn của Travis trong thời gian gần đây:

“Trước đây Travis rất giỏi phòng thủ và gần như không bao giờ chia sẻ điều gì. Tuy nhiên, cơn khủng hoảng đã dần giúp anh ấy thay đổi. Hiện nay anh ấy dễ tổn thương hơn và sống nội tâm hơn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy Travis cởi mở, hỏi xin sự giúp đỡ từ mọi người và chịu trách nhiệm cho mọi việc diễn ra trong công ty. Vì thế, có thể đây đang là thời điểm khó khăn cho cả Travis và công ty, nhưng tôi nghĩ sớm hay muộn mọi thứ cũng sẽ trở về đúng lộ trình” – Chris Sacca nhìn nhận.
DiaOcOnline.vn - Theo DNSGCT