11 sự thật thú vị về thư điện tử

Cập nhật 24/07/2012 15:10

Dù có thích hay không, bạn vẫn phải công nhận một điều rằng thư điện tử (e-mail) là một bước tiến vượt bậc, thay đổi cách chúng ta giao tiếp trong thời đại ngày nay.

Từ những năm 90 của thế kỉ trước, e-mail đã làm lu mờ thói quen sử dụng thư tay và fax, vốn không tiện lợi bằng, tốc độ chậm hơn nhiều và thường xuyên bị thất lạc hoặc xảy ra lỗi. Mặc dù ngày nay, khi blog hay các mạng xã hội đang dần bành trướng trên Internet, tích hợp nhiều điểm tiện lợi đối với phương thức truyền tin cá nhân thì e-mail vẫn giữ một vai trò quan trọng nhất định mà không gì có thể thay thế được.

Có thể bạn dùng e-mail mỗi ngày, nhưng bạn có biết rõ mọi thông tin về công cụ này? Bạn có biết ai là người đã gửi bức e-mail đầu tiên trên thế giới? Nội dung của bức e-mail đó như thế nào? Hay thông tin về những mật khẩu e-mail phổ biến nhất? Còn thư spam thì sao?...

Hãy cùng DiaOcOnline khám phá những sự thật thú vị, những điều không phải ai cũng biết về e-mail.


1. Bức e-mail đầu tiên trên thế giới.


Ray Tomlinson được coi như là người đầu tiên gửi thông tin bằng e-mail qua mạng Internet vào năm 1971. Tomlinson không được giao nhiệm vụ cụ thể là phát triển thư điện tử, nhưng ông có may mắn được làm việc trên một số thiết bị hữu ích trong dự án mạng ARPANET (tiền thân của mạng Internet ngày nay) của MIT (Học viện khoa học và kỹ thuật Massachusetts). Ông đã dành thời gian để làm việc với e-mail chủ yếu bởi vì ông thấy ý tưởng của công cụ này khá thú vị.

Được gửi giữa hai máy tính đặt sát nhau, bức e-mail đầu tiên là một bước tiến nhỏ của loài người trong lĩnh vực truyền tin điện tử, nhưng rất quan trọng. Tomlinson cho biết đã nhiều năm trôi qua và hiện giờ, ông không thể nhớ chính xác được nội dung của bức e-mail đầu tiên đó. Ông đoán nội dung đó có thể là chuỗi kí tự đơn giản “testing123” hoặc “QWERTYUIOP” – những kí tự trên dòng đầu tiên của một bàn phím ngày nay.

2. Nguồn gốc từ “Spam”?

Theo nhiều nguồn tin, thuật ngữ “thư rác” (spam) trong e-mail ngày nay được cho là đến từ một bộ phim hài của nhóm Monty Python, được phát sóng trên kênh BBC vào năm 1969. Trong bộ phim hài trên có tình tiết là thực khách bị một nhà hàng “oanh tạc” bằng món spam (thịt jambond đóng hộp) kèm với tất cả các món trong thực đơn, tạo thành một thực đơn “toàn spam”: bacon and spam, egg and spam, ham and spam, spam and spam… Cứ mỗi lần tiếp viên đọc xong thì lại có một nhóm người Vikings hát đệm những câu toàn chữ “spam”. Bài hát cũng kết bằng một từ spam được bè kéo dài đến hết…


Có lẽ vì nó quá nổi tiếng nên người ta đã dùng Spam là từ để chỉ những thứ không cần thiết và không được mong đợi nhưng lại được cung cấp nhiều thái quá. Và sau đó, khi e-mail ra đời và phát triển, Spam là một lựa chọn rất phù hợp để sử dụng với nghĩa như hiện nay- những bức thư điện tử gây phiền toái cho người dùng do được gửi đến quá nhiều. “Spam” được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford vào năm 1998.

Bức thư spam đầu tiên trên thế giới được tạo ra vào ngày 3/5/1978 để quảng cáo cho một hệ thống máy tính mới. Nó được gửi đến 600 người dùng dịch vụ ARPANET mà địa chỉ của họ được nhập vào máy tính từ giấy. Điều đáng buồn cười ở đây là người gửi mail không biết rõ về hoạt động của chương trình (bị giới hạn số lượng địa chỉ gửi) mà cứ chăm chú gõ nên 600 địa chỉ này đã bị tràn từ ô TO: tới ô CC: và cuối cùng tràn cả vào nội dung chính của thư.

3. Mật khẩu e-mail phổ biến nhất?

Có vẻ như “123456” là mật khẩu được lựa chọn nhiều nhất mọi thời đại được người dùng sử dụng để bảo vệ hòm mail của họ trên Internet. Mật khẩu này cũng đứng đầu trong bản danh sách mật khẩu hotmail bị rò rỉ trên Internet vào năm 2009. Đây liệu có phải là mật khẩu cho hòm mail của bạn?

4. Mã morse của kí tự @ là gì?

Bất chấp một thực tế rằng lượng người dùng e-mail để giao tiếp trên Internet liên tục tăng không ngừng vào cuối thế kỉ 20, mã morse vẫn không hề tồn tại kí hiểu biểu thị cho kí tự @ trong địa chỉ thư điện tử. Điều này chỉ chấm dứt vào năm 2004.


Theo đó, @ được biểu thị bởi chuỗi mã morse của hai kí tự A và C. Đây là lần bổ sung kí hiệu chính thức đầu tiên vào bảng mã morse kể từ thời kì Chiến tranh thế giới thứ nhất.

5. Viết từ e-mail thế nào là đúng?

E-mail, e-mail, e-mail, e-mail, E-mail hay E-Mail? Từ nào viết đúng chính tả?

Vấn đề này tùy thuộc vào quy định của từng cơ quan, tổ chức. Trong khi nhiều từ điển và sách hướng dẫn cho rằng viết “E-mail” là đúng thì sách hướng dẫn nghiệp vụ của hãng thông tấn AP lại khẳng định chắc chắn rằng do e-mail là từ viết tắt của electronic mail, nên viết e-mail là hoàn toàn chính xác.

6. Kí hiệu @ được gọi như thế nào?

-Tại Anh: “at”, “commercial at”, “at sign”,”at the rate”, “at symbol”, “at mark”, “cyclips”, “ampersat” , “asperand”…


Những ngôn ngữ khác có cách mô tả biểu tượng này khá hài hước khi thường liên quan tới động vật.

- Tại Đức: spider monkey – “nhện – khỉ”

- Tại Hà Lan: apestaart – “đuôi khỉ”.

- Tại Thụy Điển: snabel-a – chữ cái “a” với thân của một con voi.

- Tại Italia: chiocciolina – “ốc nhỏ”.

- Tại Trung Quốc: “con chuột nhỏ”

Ngộ nghĩnh hơn, trong một số ngôn ngữ khác, @ còn gắn với “đuôi chuột”, “mèo đang ngủ”, “vịt nhỏ”, “chó” và “sâu nhỏ” (?!).

7. Bức e-mail đầu tiên được gửi đến từ khoảng không vũ trụ khi nào?


Vào năm 1991, phi hành đoàn STS-43 Atlantic đã sử dụng phần mềm AppleLink của hãng Apple trên một thiết bị di động có tên Macintosh để truyền về Trái Đất đoạn thông tin sau đây:

“Xin chào Trái Đất! Lời chào từ phi hành đoàn STS-43. Đây là tin nhắn đầu tiên được gửi bởi phần mềm AppleLink ngoài khoảng không vũ trụ. Chúng tôi đã có một thời gian tuyệt vời và chúng tôi ước gì bạn cũng được ở đây. Chúng tôi sẽ sớm trở về”.

8. E-mail của… nhân vật hoạt hình nào đã từng bị tin tặc tấn công?


Đây là một ông bố được rất nhiều người yêu thích – ông bố Homer Simpson trong loạt phim hoạt hình đình đám một thời The Simpson. Địa chỉ e-mail của ông là chunkylover53@aol.com, đã được tiết lộ phần phim thứ 14 có tên “Dad Who Knew Too Little”. E-mail này được lập ra bởi Matt Selman, một trong những tác giả của loạt phim này – nhằm mục đích nhận và trả lời thư của người hâm mộ dưới cái tên ông bố Homer. Tuy nhiên, điều này đã khiến ông nhận được hàng trăm cho tới hàng ngàn thư mỗi ngày, không có thời gian trả lời xuể và cuối cùng, hòm mail này đã bị hacker tấn công.

9. E-mail lừa đảo lừa được nhiều người nhất

Năm 1999, một bức e-mail lừa đảo, với nội dung cho biết Bill Gates (người giàu nhất thế giới thời điểm bấy giờ), dự tính sẽ chia sẻ toàn bộ gia tài của mình cho người dùng Internet. Bức e-mail này ngay lập tức được lan truyền với tốc độ “tên lửa” đến hàng triệu người sử dụng Internet.


10. E-mail và người nổi tiếng.


- Bill Gate bắt đầu sử dụng e-mail từ ngày 16/7/1982, khi trụ sở của hãng phần mềm Microsoft cài đặt một mạng cục bộ để kết nối giữa các máy tính của các phòng ban trong công ty. Nếu bạn gửi e-mail cho ông, bạn thậm chí còn có thể nhận được phản hồi.

- Liệu Đức Giáo Hoàng có sử dụng e-mail? Có. Đức Giáo Hoàng John Paul II là Đức Giáo Hoàng đầu tiên sử dụng e-mail và ông thậm chí đã từng gửi một bức e-mail xin lỗi tới người dân Châu Đại Dương.

- Trong toàn bộ nhiệm kì Tổng thống Mỹ của mình (1993-2001), ngài Bill Clinton chỉ gửi duy nhất …2 bức e-mail. Một bức được gửi tới John Glenn khi ông ở trên tàu con thoi ngoài khoảng không vũ trụ, và bức còn lại để ông….thử xem hệ thống e-mail hoạt động như thế nào.

-Năm 2008, Barack Obama (khi đó còn là ứng cử viên tổng thống) đã thu thập được 13 triệu địa chỉ e-mail của người dùng tại Mỹ. Obama đã sử dụng các địa chỉ e-mail thu thập được, cũng như các dịch vụ mạng xã hội nổi tiếng thời bấy giờ như MySpace hay Youtube để ….spam và kêu gọi sự ủng hộ của người dân Mỹ. Và kết quả, như chúng ta đã thấy!

11. Liệu có tồn tại chứng… nghiện e-mail?

Trước khi xảy ra một thực tế là người dùng Facebook check tài khoản của họ 5 phút mỗi lần, trước khi người dùng đổ xô đi mua điện thoại di động chỉ để có thể vào Twitter mọi lúc mọi nơi, đã có rất nhiều người nghiện sử dụng e-mail. Đây cũng được coi là một chứng bệnh tương tự như nghiện Facebook, nghiện Twitter…và ngững người nghiện e-mail được gọi với cái tên emailaholics.

DiaOcOnline.vn - Theo GenK