10 chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất 2017

Cập nhật 11/04/2017 10:53

Với ý tưởng khuyến khích đàn ông Ấn Độ học cách chia sẻ công việc nhà, “Share the Load” đã trở thành chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất thế giới trong năm 2017, theo nghiên cứu của Hãng quảng cáo trực tuyến WARC.

Dakota (10 tuổi) góp mặt trong video thuộc chiến dịch #LikeAGirl của P&G

WARC vừa công bố bảng xếp hạng 100 chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất thế giới năm 2017 - kết quả một nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp của Trường King's College London. Bảng xếp hạng được thực hiện bằng cách phân tích hơn 2.000 chiến dịch đã chiến thắng tại các cuộc thi về quảng cáo trên khắp thế giới.

Dẫn đầu bảng xếp hạng là chiến dịch quảng cáo cho thương hiệu bột giặt Ariel với tên gọi “Share The Load”. WARC cho biết, chiến dịch này đã giúp Ariel tăng gấp đôi doanh thu về cả giá trị lẫn số lượng. Có hơn 1,5 triệu đàn ông Ấn Độ đã cam kết sẽ chia sẻ gánh nặng việc nhà trong gia đình một cách hợp lý.

Theo WARC, Procter & Gamble (P&G) - công ty sở hữu Ariel - đã trở thành nhà quảng cáo tốt nhất khi có đến 5 chiến dịch quảng cáo lọt vào top 100 chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất thế giới năm 2017.

Dưới đây là top 10 chiến dịch hiệu quả nhất toàn cầu năm 2017, theo WARC:

1. Share the Load (Chia sẻ gánh nặng) - quảng cáo Ariel ở Ấn Độ

Video quảng cáo mô tả một ông bố người Ấn trong một lần đến thăm con gái đã lập gia đình. Ông nhìn thấy con mình vừa trở về sau một ngày làm việc và phải tiếp tục vùi đầu vào việc nhà: con trai cô cần một chiếc áo sơ mi sạch, chồng cô cần ăn tối, phòng khách của gia đình cần được dọn dẹp…

Ariel muốn chiến dịch quảng cáo này sẽ khuyến khích đàn ông Ấn Độ học cách chia sẻ công việc nhà, và dĩ nhiên cũng nhằm một mục đích nữa là… bán bột giặt.

2. Man on the Moon (Người đàn ông trên mặt trăng) – quảng cáo dịp giáng sinh của John Lewis (từ năm 2012 – 2015 ở Anh)

Trong video quảng cáo, một ông lão cô đơn đang ngồi trên mặt trăng, trong khi một cô bé trên trái đất đang nhìn thấy ông thông qua một chiếc kính thiên văn, và rồi quyết định gửi tặng ông một chiếc kính thiên văn. Thông điệp được đưa ra vào cuối quảng cáo là “Hãy cho ai đó thấy rằng họ được yêu thương vào dịp giáng sinh này!”.

Chiến dịch đã kêu gọi quyên góp được một triệu bảng Anh (khoảng 1,2 tỷ USD) và đem lại mức doanh thu vào dịp Giáng sinh cao nhất cho cửa hàng John Lewis ở Anh tính đến thời điểm đó.

Vào dịp Giáng sinh, các nhãn hàng tại những trung tâm thương mại ở Anh thường cho ra rất nhiều chiến dịch quảng cáo, và các chiến dịch này đôi khi thường được sử dụng lặp đi lặp lại trong nhiều năm.

3. Lucy the Robot – chiến dịch của Hãng Double Robotics ở Úc

Khi “có mặt” tại một hàng dài khách hàng đang chờ mua điện thoại iPhone mới tại Sydney (Úc), robot Lucy đã chứng minh được sự vận hành hiệu quả. Hãng công nghệ Double Robotics đã gửi “cô ấy” đến cửa hàng nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp hiểu rằng robot có thể làm được gì cho họ.

Chiến dịch đã giúp Hãng nhận được hơn 12.400 yêu cầu đặt hàng trong vòng 3 ngày.


Robot Lucy "xếp hàng" mua iPhone mới tại Sydney hồi tháng 9/2015. Ảnh: Cole Bennetts/Getty Images

4. Rabbit Race (Đua thỏ) – chiến dịch của Media Markt ở Đức

Quảng cáo sinh động của hãng bán lẻ đồ điện tử Media Markt mô tả một cuộc đua sinh động của những chú thỏ trên tivi. Khách hàng sẽ được mua hàng ưu đãi nếu con số được cấp trước đó trên hóa đơn của họ trùng với số của chú thỏ chiến thắng cuộc đua.

Chiến dịch đã thu hút được khoảng 21 triệu người xem truyền hình.

5. Raising Eyebrows and Subscriptions – chiến dịch dùng dữ liệu để tăng lượng người theo dõi của The Economist ở Anh

Những người không đọc Tạp chí The Economist thường đánh giá nó là một ấn phẩm kinh tế nhàm chán. Do đó, để tăng lượt người theo dõi (subscriber) trên phiên bản trực tuyến, The Economist đã tận dụng dữ liệu và cho chạy các quảng cáo có mức độ liên quan cao đối với người xem.

Chiến dịch đã tạo ra hơn 64.000 lượt người theo dõi mới.

Những mẩu quảng cáo hấp dẫn nhờ có tính liên quan cao đã giúpThe Economist tăng hàng chục ngàn lượt người theo dõi trên trang trực tuyến

6. Diving into Data for Narellan – chiến dịch dùng dữ liệu để tiếp cận khách hàng của Narellan Pools ở Úc

Chiến dịch của Hãng thiết kế và xây dựng bể bơi Narellan Pools (Úc) cũng đã tận dụng sự phân tích dữ liệu thông minh để tiếp cận đúng những đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng bể bơi trong những ngày nóng. Nhờ đó, doanh thu của Hãng đã tăng khoảng 23% mỗi năm.

Narellan Pools tăng doanh thu nhờ chiến dịch quảng cáo đánh trúng tâm lý người tiêu dùng

7. World Gallery – chiến dịch quảng cáo của Apple ở Mỹ

Nhằm quảng bá cho camera của iPhone 6, Apple đã chạy một chiến dịch sử dụng hình ảnh thật do người dùng chụp và in lên các biển quảng cáo trên khắp thế giới.

Apple cho biết có 24.000 người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã nhắc đến chiến dịch và có 95% thông tin về chiến dịch trên mạng xã hội mang tính tích cực.

Một biển quảng cáo iPhone 6 thuộc chiến dịch World Gallery. Ảnh: Mark Cunningham/Getty Images

8. #LikeAGirl – chiến dịch quảng cáo cho thương hiệu Always (của P&G) trên toàn cầu

Công ty P&G phát hiện, có hơn một nửa phụ nữ Mỹ bị sụt giảm sự tự tin khi bước vào độ tuổi dậy thì. Vì vậy Hãng đã chạy chiến dịch #LikeAGirl cho thương hiệu băng vệ sinh Always, nhằm thay đổi cách nhận thức về cụm từ “like a girl” (“như một cô gái”) từ hướng tiêu cực sang tích cực.

Sau khi chiến dịch được thực hiện, có 76% người được P&G khảo sát cho biết họ đã nhìn nhận cụm từ này một cách tích cực hơn, và cứ hễ 3 người đàn ông thì có 2 người nói rằng họ sẽ suy nghĩ 2 lần trước khi dùng cụm từ này với ý xúc phạm.

9. #MyFamilyCan – chiến dịch của SPC ở Úc

Phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ, Hãng sản xuất trái cây đóng lon SPC đã tạo nên một chiến dịch quảng cáo #MyFamilyCan nhằm nhấn mạnh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu bằng cách in hình những người nông dân lên lon sản phẩm.

Nhờ đó, Hãng đã vượt qua mục tiêu tăng 8% doanh thu đặt ra lúc đầu và tạo nên một bước đột phá trong khâu trình bày nhãn hiệu.

10. Infrequent Flyers – chiến dịch của Tiger Air ở Úc

Theo Hãng quảng cáo McCann ở Úc, 77% người Úc bay ít hơn 3 lần/năm bởi vì giá cả quá đắt đỏ. Vì vậy, McCann đã tạo ra chiến dịch “Infrequent Flyers Club” (Câu lạc bộ bay không thường xuyên) cho khách hàng của mình là Hãng bay Tiger Air.

Câu lạc bộ hiện đã có 500.000 thành viên và tạo ra doanh thu 2 triệu đô la Úc (khoảng 1,5 triệu USD) trong 3 tháng.


DiaOcOnline.vn - Theo CNBC