Câu hỏi:
Ông bà ngoại tôi có 1 căn nhà nhỏ ở quận 1. Ông bà ngoại có 6 người con gái (trong đó mẹ tôi là con gái út ).
Năm 1985 ông ngoại mất để lại căn nhà cho bà ngoại ( không di chúc ). Năm 2005 ba mẹ tôi mất. Năm 2010 bà ngoại tôi mất. Trên sổ hộ khẩu thì do người dì lớn đứng tên chủ hộ hơn 10 năm nay. Trong sổ hộ khẩu có tên của 3 người dì , bà ngoại, mẹ và 2 chị em tôi (chị em tôi sống tại nhà đó từ lúc sinh ra đến bây giờ).
Hiện nay mấy người dì đang có ý định 2 chị em tôi ra khỏi nhà và làm chủ quyền sử dụng đất cho người dì kế.
Vậy xin cho tôi hỏi tôi có được hưởng chút tài sản thừa kế từ người mẹ của tôi trong căn nhà đó không. Và cách hưởng như thế nào?
Tôi rất cần sự giúp đỡ về mặt pháp lý, xin có câu trả lời sớm cho tôi vì tôi sợ khi làm xong chủ quyền sử dụng đất thì chị em tôi không có nơi nương thân?
Xin chân thành cám ơn! [mailto:ngocsonlovely@yahoo.com]
Công ty Luật Thiên Bình trả lời:
|
Trong thư bạn không nêu rõ là căn nhà đã có một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp hay chưa vì đây là căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng để xem xét hướng giải quyết vụ việc theo các quy định pháp luật.
Trong trường hợp này, chúng tôi giả thuyết căn nhà trên là di sản hợp pháp được để lại cho người thừa kế.
Theo đó, căn nhà là tài sản chung của ông bà ngoại bạn. Ông ngoại bạn mất từ thời điểm 1985, tuy nhiên lại không để lại di chúc, do vậy di sản của ông ngoại bạn sẽ được phân chia theo pháp luật.
Tại thời điểm này các đồng thừa kế hàng thứ nhất được xác định theo quy tại khoản 1, điều 676 Bộ Luật Dân sự 2005 sẽ gồm bà ngoại bạn và 6 người con. Phần tài sản này là tài sản chung của ông bà ngoại bạn, cho nên các đồng thừa kế này sẽ được hưởng phần giá trị của ½ căn nhà trên. ½ giá trị còn lại của căn nhà này là thuộc về người bà của bạn.
1. Đối với phần tài sản của ông ngoại bạn để lại: từ thời điểm ông ngoại bạn mất cho tới nay, đã hơn 25 năm mà các bên mới phát sinh tranh chấp về quyền thừa kế mà yêu cầu Tòa án giải quyết thì theo Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình tại mục I.2.4 có quy định:
“Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung”.
Như vậy đối với phần tài sản mà ông bạn để lại sẽ được xem là tài sản chung của các đồng thừa kế, áp dụng điều 224 BLDS việc chia tài sản thuộc sở hữu chung tiến hành như sau:
• Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.
• Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Trong khối tài sản chung trên, mẹ bạn cũng là một đồng thừa kế được thừa hưởng giá trị tài sản. Mẹ bạn đã mất, thì bạn và chị bạn được hưởng phần tài sản này của mẹ bạn theo hàng thừa kế thứ nhất. Theo quy định mà chúng tôi đã dẫn, bạn có quyền yêu cầu phân chia khối tài sản chung trên để nhận phần tài sản của mình.
2. Đối với phần tài sản của bà ngoại bạn để lại: Trong thư bạn không có nêu rõ là bà ngoại bạn mất có để lại di chúc hay không. Vì vậy chúng tôi chia ra làm 2 trường hợp.
• Nếu như bà ngoại bạn có để lại di chúc hợp pháp thì việc phân chia tài sản này tiến hành theo di chúc đó.
• Nếu không có di chúc, tài sản này được phân chia theo pháp luật như sau: hàng thừa kế thứ nhất bao gồm 6 người con của bà bạn sẽ được hưởng di sản này.
Tuy nhiên mẹ bạn đã mất thì theo quy định tại điều 677 BLDS về thừa kế thế vị: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Như vậy chị bạn và bạn sẽ được hưởng phần thừa kế này của mẹ bạn trong khối di sản mà bà bạn đã để lại với vai trò của người thừa kế thế vị.
Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, theo chúng tôi trước hết chị em bạn cần trình báo vụ việc cho UBND Phường nơi căn nhà tọa lạc, và sau đó cần nhanh chóng tiến hành thủ tục khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận 1, Hồ sơ khởi kiện gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Các tài liệu liên quan đến giấy tờ nhà, đất…
- Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có sao y), Trích lục giấy khai sinh…
- Giấy chứng tử của cha mẹ bạn, bà ngoại của bạn
DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.
Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.
DiaOcOnline.vn