Khúc mắc trong giải quyết phân chia tài sản chung

Cập nhật 07/01/2011 14:45

Câu hỏi:

Gia đình tôi có mẹ ,tôi, anh và chị . Trước khi mất ba tôi đã mua và xây căn biệt thự hiện chúng tôi đang ở. Do tâm linh ba tôi làm hợp đồng dưới tên anh trai tôi. Hiện tai anh trai tôi đã có gia đình. Mẹ tôi đã làm quyền sở hữu nhà dưới tên anh trai tôi và chị dâu.

Theo pháp luật nếu xảy ra chuyện chị dâu và anh trai tôi ly dị, thì chúng tôi có bị mất số tài sản trên hay không ?

Trường hợp mẹ tôi để lại di chúc về căn nhà ,nhưng tên người đứng quyền sử dụng đất không phải là tôi và chị gái tôi, thì pháp luật sẽ xử lý như thế nào khi bên được quyền sở hữu không chịu thỏa hiệp? Xin tư vấn giúp tôi!

Xin chân thành cảm ơn! [mailto:nguyenminhtuan161@yahoo.com]


Công ty Luật Thiên Bình trả lời:

Xét về mặt pháp lý, tại thời điểm anh trai và chị dâu bạn được cấp GCN thì họ đã được pháp luật công nhận là đồng chủ sở hữu hợp pháp đối với căn nhà này, và có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt căn nhà theo ý chí của mình. Do đó:

Nếu anh trai và chị dâu của bạn ly hôn, Điều 95, Luật Hôn nhân và Gia đình về nguyên tắc chia tài sản sau khi ly hôn được quy định như sau:

1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a. Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c. Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trừ khi anh trai bạn có chứng cứ chứng minh được căn nhà là tài sản riêng của anh trai bạn (do được ba mẹ bạn tặng, cho riêng), hoặc do vay mượn từ gia đình để tạo lập, và chị dâu của bạn cũng có văn bản xác nhận điều này thì Tòa án mới có thể xem xét công nhận căn nhà là tài sản riêng cho anh trai bạn.

Về việc mẹ bạn lập di chúc để định đoạt căn nhà này theo ý chí của mình (trong khi tài sản mang tên người khác). Nếu chuyện đó xảy ra, chúng tôi cho rằng việc thừa kế theo nội dung di chúc là hoàn toàn không có cơ sở, vì không có chứng cứ chứng minh căn nhà là di sản mà mẹ bạn để lại.

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.

 

DiaOcOnline.vn