Câu hỏi:
Gia đình chồng tôi có tất cả năm chị em, chị chồng tôi có gia đình ở riêng, còn lại bốn anh em trai. Năm 2006, cha chồng tôi mất để lại di chúc (không có công chứng ở UBND xã, cũng không có người nào làm chứng khi ông viết di chúc), trong di chúc ông nói 6 công đất vườn và ngôi nhà ông đang ở để lại hết cho người anh kế chồng tôi.
Mẹ chồng tôi cũng còn sống. Vậy xin hỏi mẹ chồng tôi có quyền chia đất cho chồng tôi và ba anh, chị, em còn lại của gia đình, hay phải thực hiện theo di chúc của ba chồng tôi để lại? (cam le - huongtinh73@yahoo.com)
Trả Lời:
Tư vấn của VPLS Cổ Hiệp:
Theo điều 655 của Bộ luật dân sự: Di chúc không có người làm chứng vẫn có giá trị pháp lý nếu di chúc đó do tự tay người có tài sản hợp pháp viết và ký vào bản di chúc.
Nội dung di chúc phải ghi rõ ngày tháng năm lập di chúc, họ tên nơi cư trú của người lập và người được hưởng di sản, di sản để lại, nơi có di sản…
Chị cần xem lại di chúc cha chồng của chị lập cho anh chồng chị, nếu có đầy đủ nội dung điều 655 Bộ luật dân sự nêu trên thì di chúc này có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên vì mẹ chồng chị còn sống nên ba chồng chị chỉ được quyền định đoạt phần tài sản thuộc sở hữu của ba chồng chị mà thôi (một nửa giá trị tài sản gồm nhà và đất mà ông cụ có tên hoặc cùng với bà cụ có tên trong giấy tờ nhà đất).
Nếu phải thực hiện di chúc của ba chồng chị, thì anh chồng chị chỉ được hưởng một nửa khối tài sản nhà đất được ghi trong di chúc của ba chồng chị.
Một nửa khối tài sản là nhà, đất dù ba chồng của chị có ghi trong di chúc để lại cho anh chồng chị nhưng phần này vẫn thuộc quyền sở hữu của mẹ chồng chị. Cụ bà có toàn quyền chia phần nhà, đất này cho các con theo ý muốn của bà cụ.
Bạn đọc có những thắc mắc cần được hỗ trợ, tư vấn trong lĩnh vực nhà đất. Vui lòng gửi thư về địa chỉ Email: cafeluat@cenodi.vn
Xin chân thành cảm ơn!
Theo Địa Ốc TTO