Chia di sản thừa kế như thế nào?

Cập nhật 05/11/2012 13:20

Câu hỏi:

Tôi muốn hỏi về quyền thừa kế không có di chúc. Bố mẹ tôi sinh được bốn người con, ba chị em gái và một cậu em trai. Bố mẹ tôi có ba thửa đất và đều đứng tên bố mẹ tôi, khi bố mẹ tôi còn sống có nói cho ba chị em gái tôi một thửa đất và cho cậu con trai một thửa và bố mẹ tôi làm nhà ở trên một thửa đất nhưng bố mẹ tôi nói vậy nhưng không viết di chúc để lại. Khi mẹ tôi qua đời còn lại mình bố tôi và các chị em tôi. Bố tôi và ba chị em tôi đã ký giấy tách sổ đỏ cho cậu em tôi một thửa đất để làm nhà riêng. Bây giờ đã tách sổ đỏ riêng một thửa đất đứng tên cậu em tôi và 2 thửa đất còn lại vẫn đứng tên bố tôi. Trước lúc bố mẹ tôi còn sống nói là nhà của bố mẹ khi nào chết làm nơi cúng giỗ bố mẹ và chị cả tôi chưa đi xây dựng gia đình sẽ ở lại căn nhà đó cho đến khi qua đời. Và sau này làm từ đường. Nhưng đến giờ em trai tôi đã tách sổ đỏ riêng mang tên cậu em trai tôi và giữ toàn bộ sổ đỏ của bố mẹ tôi để lại mà không cho chị em chúng tôi được hưởng di sản mà bố mẹ tôi đã hứa cho chúng tôi. Bây giờ chúng tôi muốn đòi hỏi quyền thừa kế vậy khi ra tòa thì tòa sẽ giải quyết như thê nào. Vậy cậu em tôi có được hưởng toàn bộ thửa đất mà bố tôi và chúng tôi ký tặng không?

Kính gửi Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vnCông ty luật hợp danh Thiên Thanh xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:

Theo như bạn nói thì ba lô đất trên là tài sản chung của bố mẹ bạn trong thời kỳ hôn nhân. Di sản của mẹ bạn sẽ được xác định là ½ tổng giá trị tài sản chung của bố mẹ bạn trong thời kỳ hôn nhân. Khi mẹ bạn chết không để lại di chúc, do đó số di sản của mẹ bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật. Căn cứ theo Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người thừa kế theo pháp luật sẽ là:

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy khi mẹ bạn chết số di sản mà mẹ bạn để lại sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm : ông bà ngoại bạn, bố bạn và bốn chị em bạn. Nếu muốn tách sổ đỏ cho em trai bạn phải được sự đồng ý bằng văn bản của các đồng thừa kế nói trên. Ở đây bạn không nói rõ cho chúng tôi biết là ông, bà ngoại bạn đã chết chưa nên sẽ có hai trường hợp xảy ra:

+ Nếu ông, bà ngoại bạn đã chết thì hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn là bố bạn và bốn chị em bạn. Theo đó việc bố bạn và ba chị em gái bạn đồng ý ký vào văn bản cho em trai bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một thửa đất là hợp pháp. Em bạn là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất đó.

+ Nếu ông, bà ngoại bạn chưa chết thì trong văn bản thỏa thuận cho em trai bạn để đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được sự đồng ý của cả ông ngoại và bà ngoại bạn. Trường hợp này nếu chỉ có sự đồng ý của bố và ba chị em bạn là chưa đủ.

Khi bố bạn chết không để lại di chúc, tương tự như trên di sản mà bố bạn để lại sẽ được chia đều cho người ở hàng thừa kế thứ nhất là ông, bà nội bạn và bốn chị em trong gia đình bạn. Do đó, nếu em trai bạn không cho chị em bạn hưởng di sản mà bố bạn để lại là không có căn cứ. Bạn có thể nhờ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích cho chị em bạn.

***

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn

Trân trọng.

Chuyên mục Café Luật

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn