Yếu và thiếu nhà quản lý và khai thác chuyên nghiệp

Cập nhật 17/11/2010 09:40

Bất động sản (BĐS) du lịch đã tạo nên một “làn sóng mới” trong thị trường BĐS thời gian gần đây và được nhiều chuyên gia nhận định thị trường này sẽ bùng nổ trong tương lai mặc dù vẫn còn khá nhiều thách thức…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội nhận định:

Năm 2009, đặc biệt năm 2010 là kế thừa sự chuẩn bị của những nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn dài hạn chiến lược về phân khúc thị trường BĐS du lịch.

Thị trường này đã khởi sắc trong thời gian vừa qua, nhất là những khu resort, những vùng có bãi biển dài có cơ sở hạ tầng tốt đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS du lịch. Ông Nguyễn Hữu Cường: “Thị trường BĐS du lịch Việt Nam yếu và thiếu nhà quản lý và khai thác chuyên nghiệp”.

Tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng phát triển, nhiều cuộc họp quan trọng của thế giới đều được tổ chức tại nước ta cho thấy vấn đề an ninh cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất tốt.

Chính phủ lại có cơ chế cho những người có quốc tịch nước ngoài được phép mua nhà và đất tại Việt Nam. Đó cũng là kênh thu hút những nhà đầu tư có tiềm năng tài chính đầu tư vào nước ta.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư trong nước đã có sự thành công trong lĩnh vực BĐS truyền thống cũng nhận thấy lợi ích và tiềm năng của việc sở hữu BĐS du lịch đã chuyển dần từ những phân khúc thị trường của các căn hộ cao cấp, biệt thự, khu sinh thái, khu nhà vườn sang sở hữu và đầu tư các dự án BĐS du lịch dọc bãi biển.

* Ông nhận định ra sao về sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS du lịch Việt Nam hiện nay?


Ông Nguyễn Hữu Cường: “Thị trường BĐS du lịch Việt Nam yếu và thiếu nhà quản lý và khai thác chuyên nghiệp”.
Hầu hết, các dự án mang tầm cỡ quốc tế đều có sự liên doanh với nước ngoài, liên doanh về tài chính, về tầm nhìn tổng quan, định hướng, thể loại, đặc điểm, quy mô của dự án…

Nhất là yếu tố thiết kế, bởi tất cả các dự án BĐS du lịch đều không thể “hà tiện” trong việc chỉ thuê các nhà thiết kế trong nước mà hầu hết phải liên kết, liên doanh thuê những nhà thiết kế nước ngoài bởi đó là những khu dành cho các đối tượng đã được định vị rõ nét, đó là những đối tượng thực sự giàu có, họ được quyền hưởng thụ cuộc sống giàu sang, thành đạt để có thể thư giãn, sở hữu những khu nghỉ dưỡng đẹp.

* Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có quỹ đất lớn trong tay khi tham gia vào thị trường BĐS du lịch, đó là một ưu thế nhưng có vẻ như họ lại “lép vế” trước nhà đầu tư nước ngoài. Tại sao lại như vậy thưa ông?

Không chỉ có BĐS du lịch mà có nhiều dự án khác doanh nghiệp Việt Nam đều nắm giữ quỹ đất, đó là một ưu thế, lợi thế của người dân bản địa. Nhưng hầu hết các dự án liên doanh với nước ngoài tỉ lệ góp vốn nhiều khi lại góp bằng giá trị của đất, tiền mặt tài chính vốn dĩ là những vấn đề khó khăn đối với những nhà đầu tư trong nước.

Vấn đề quản lý và khai thác các sản phẩm BĐS du lịch được xem là những yếu tố quan trọng sau khi các dự án hoàn thiện sao cho sinh lời, vấn đề này vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp có thương hiệu trong nước thường phải thuê các nhà quản lý, khai thác nước ngoài.

Đây là điểm yếu và thiếu trầm trọng những nhà quản lý chuyên nghiệp trong nước để quản lý những dự án mang tầm quốc tế, không chỉ những dự án BĐS du lịch mà tất cả các dự án lớn, các khách sạn lớn chúng ta đều thiếu trầm trọng.

* Vậy theo ông, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với những thách thức nào, nếu chấp nhận đổ tiền vào các dự án BĐS du lịch?

Xu hướng phát triển BĐS du lịch dành cho nhóm người thực sự giàu có và muốn khẳng định đẳng cấp của họ. Tham gia vào lĩnh vực này, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra một khoản vốn tương đối lớn, nhưng lại không thể có lợi nhuận ngay mà cần có lộ trình, đó chính là thách thức đầu tiên.

Để tránh rủi ro, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ các yếu tố như: quy mô dự án ở mức độ nào, có đảm bảo được sự phát triển bền vững? Năng lực của chủ đầu tư ra sao, bởi nhiều dự án công bố có giá trị đầu tư lớn nhưng thực tế không phải như vậy.

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng đánh giá và lựa chọn tốt, cho nên sự hấp dẫn của BĐS du lịch chính là dành cho các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược.


BĐS du lịch đã tạo nên “làn sóng mới” và đang thu hút nhiều nhà đầu tư.
 
* Thị trường BĐS du lịch mới “nở rộ” tại miền Trung, nhất là Đà Nẵng. Thế còn tại miền Bắc, theo ông có thể phát triển được thị trường này không?

Miền Trung có lợi thế bãi biển gắn liền sau đó là những dãy núi, dãy đồi rất đẹp như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phan Giang, Phan Thiết, Mũi Né… Ngoài miền Bắc cũng có nhiều khu du lịch rất đẹp và có triển vọng.

Hiện, đã có Cty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex – ITC) đầu tư vào Cát Bà, một nơi phát triển cả du lịch biển và rừng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, họ triển khai dự án khu phức hợp biệt thự nghỉ dưỡng bến du thuyền, casino và công viên giải trí Cát Bà rất hấp dẫn.

* Ngoài việc “nhắm” đến các bãi biển đẹp, theo ông mô hình đầu tư nào của BĐS du lịch hứa hẹn có mức lợi nhuận cao?

Bản thân những nhà đầu tư đã có tầm nhìn chiến lược để họ “thâu tóm” những vùng địa lý đẹp. Ngoài các khách sạn, khuynh hướng nghỉ dưỡng và du lịch hiện nay là chuỗi các biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự gắn liền với sân golf.

Đây là mô hình đang được ưa chuộng bởi các biệt thự được thiết kế kết hợp với nhiều hạng mục nghỉ dưỡng trong không gian gần gũi với thiên nhiên. Những triền đồi, khu vực rừng núi, sông hồ hay những khu vực ven biển là lựa chọn số một cho các khu nghỉ dưỡng. Mô hình kinh doanh này không chỉ đơn thuần nhắm đến đối tượng du khách mà còn là những người có nhu cầu sở hữu và muốn đầu tư sinh lời từ những căn biệt thự nghỉ dưỡng trên.

* Ông nhận định thế nào về sự phát triển thị trường BĐS du lịch trong tương lai ở Việt Nam?

Trong tương lai, sự phát triển của thị trường BĐS du lịch là tất yếu, là sự cạnh tranh của các đại gia BĐS khi có tầm chiến lược như nhau. Những địa danh đẹp đều có các nhà đầu tư muốn “thôn tính”. Đấy chính là sự cạnh tranh khốc liệt.

BĐS thăng hoa dần theo lộ trình của nó. Du lịch Việt Nam đang phát triển thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ đi theo chính là các cơ sở hạ tầng. Vì thế, các nhà đầu tư du lịch và BĐS phải tìm đến với nhau để kết hợp, liên doanh liên kết với nhau nhằm trở thành chủ những đại dự án lớn.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành công ty CB Richard Ellis Vietnam (CBRE) cho biết, tính đến quý 3.2010, nguồn cung của thị trường BĐS du lịch tăng khoảng 5 lần số lượng biệt thự và 3 lần số lượng căn hộ so với nguồn cung cuối năm 2009. Hiện có khoảng 11.000 biệt thự và 10.000 căn hộ nghỉ dưỡng. Các dự án tập trung tại các tỉnh miền Trung và một số điểm mới như Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết và một số tỉnh phía Bắc.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động