Ý tưởng giúp công chức mua nhà

Cập nhật 03/10/2014 08:49

Thông tin cán bộ, công chức có thể được vay ưu đãi lên tới 2 tỷ đồng trong 10 năm để mua nhà đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Hiếm người đủ khả năng

Thông tin trên do một lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tiết lộ. Theo vị lãnh đạo này, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà trị giá tối đa 2 tỷ đồng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để trình Thủ tướng xin ý kiến. So với gói 30.000 tỷ đồng chỉ dành cho nhà ở xã hội, gói tín dụng mới này cho phép cán bộ công chức, viên chức được mua cả căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp… Dự kiến, thời gian vay tối đa là 10 năm. Mức lãi suất đang được tính toán sẽ dao động 6 - 7,5%/năm. Người vay sẽ dùng chính căn nhà làm tài sản để thế chấp khi vay vốn.

Sở hữu một căn nhà vẫn là ước mơ của nhiều công chức.

Nghe được thông tin này, nhiều cán bộ, công chức rất mừng vì sẽ có cơ hội mua nhà. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kĩ các điều kiện thì thấy, thực tế không phải cán bộ nào cũng có cơ hội tham gia gói hỗ trợ này. “Điều kiện để được vay tiền là thu nhập tận 25 triệu đồng/tháng. Chúng tôi nằm mơ cũng không có được mức thu nhập ấy”, chị Nguyễn Hiền Dịu, công chức đang làm việc tại Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho biết.

Mức lương công chức của chị Dịu khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị Dịu đang làm giáo viên hợp đồng tại một trung tâm giáo dục thường xuyên và vẫn phải đi dạy thêm cho các trung tâm. Tổng thu nhập hai vợ chồng tháng cao nhất cũng chỉ xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng.

Không chỉ chị Nguyễn Hiền Dịu mà nhiều cán bộ, công chức khác khi nghe thông tin về điều kiện vay gói tín dụng này cũng đều tỏ ra ngao ngán. Ông Dương Văn T., hiện đang công tác tại UBND xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Nếu chỉ tính theo lương, tôi bảo đảm hiếm có công chức nào có thu nhập trên 10 triệu/tháng nên cả 2 vợ chồng có tổng thu nhập là 25 triệu/tháng càng hiếm. Nếu chỉ dựa vào mức lương Nhà nước chi trả, khó ai đủ điều kiện vay được tiền theo yêu cầu trên”, ông T chia sẻ.

Nhu cầu mua nhà vẫn chưa được đáp ứng

Nhìn lại gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng được thực hiện từ tháng 6/2013 nhằm hỗ trợ người dân mua nhà xã hội và các doanh nghiệp (DN) xây nhà xã hội, dù rất được chờ đợi nhưng kết quả giải ngân không được như mong đợi. Một gói tín dụng khác trị giá lên tới 50.000 tỷ đồng cũng đã ra mắt rất rầm rộ hồi tháng 3 đầu năm, trong đó tập trung chủ yếu tới chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, hiện cũng… chưa có động tĩnh gì.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 30/8, tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng là hơn 7.064 tỷ đồng, trong đó mới giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 15 tháng triển khai, gói 30.000 tỷ đồng dành riêng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 10%. Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ đã mở rộng đối tượng được vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, nâng thời hạn hỗ trợ từ 10 lên 15 năm.
 

Vì vậy, dư luận có quyền hoài nghi về tính khả thi trước thông tin về gói tín dụng mới như ý tưởng từ phía Ngân hàng Nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, trước khi tính đến việc tung thêm các gói tín dụng cho vay mua nhà khác, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, xem xét lại các gói tín dụng trước xem tại sao chưa giải ngân hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh cho rằng nếu gói tín dụng trên được triển khai thật sự thì cũng không có tác dụng với đối tượng thu nhập thấp. Ông Đực tính toán, nếu vay 2 tỷ đồng, người vay sẽ phải trả lãi cao từ 13-15 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập gia đình dù có 25 triệu chưa chắc đã trả được lãi hàng tháng. “Thay vì cho một gia đình vay 2 tỷ đồng mua nhà cao cấp, nên chia nhỏ từng khoản 500- 700 triệu đồng cho nhiều người vay”, ông Đực nói. Vì vậy, thay vì triển khai gói tín dụng mới, theo ông Đực, cơ quan chức năng cần nới lỏng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang triển khai để nhiều đối tượng dễ dàng tiếp cận.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cũng có ý kiến cho rằng việc ưu đãi cho công chức vay 2 tỷ đồng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Với điều kiện cho vay dễ dàng hơn, phía ngân hàng có thể giải ngân hàng chục tỷ đồng và DN BĐS có thể bán được hàng, tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, để làm được điều này, chỉ các ngân hàng có nguồn vốn dài hạn mới có thể tham gia. Các ngân hàng cũng không thể tính toán được các rủi ro để áp lãi suất cố định bằng nguồn vốn kinh doanh của mình. “Nếu không có sự hỗ trợ về nguồn vốn từ Nhà nước mà chỉ để các ngân hàng thương mại tham gia thì khó có thể thực hiện được”, một chuyên gia cho hay.
 

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong:

Ý tưởng tốt

Ý tưởng của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế có tính khả thi. Bởi hiện nay, nhu cầu mua nhà của công chức là có thật, trong khi sản phẩm BĐS trên thị trường đang ứ đọng. Tuy nhiên, tính khả thi của ý tưởng này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo đó, điều kiện vay như thế nào, ai là người sẽ giữ tài sản thế chấp? Hơn nữa, ngân hàng có cho vay hay không khi lãi suất cho vay quá thấp trong khi lãi suất huy động đã là 7-8%. Còn về điều kiện cho vay, nếu để tính toán thỏa mãn hết số đông thì rất khó. Tuy nhiên, để có thể mua nhà thì mức tổng thu nhập cũng phải từ 15 triệu đồng/tháng trở lên.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Rút kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ đồng

Chúng ta có nhiều chủ trương rất đúng, nhưng chủ trương mà không có chính sách thì chủ trương chỉ nằm đấy thôi. Như ở gói 30.000 tỷ đồng quan tâm đến việc cho người thu nhập thấp vay, nhưng lại chưa chú trọng đến việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội nên vay được tiền cũng không biết mua nhà ở đâu. Thủ tục để vay cũng phải thật rõ ràng, đừng để hết chứng nhận này đến xác nhận nọ khiến người vay nản chí. Ngoài ra, muốn đề xuất này khả thi thì khối các ngân hàng thương mại cũng phải tham gia, chứ không thể lấy tiền của Nhà nước ra làm. Nhà nước chỉ tạo điều kiện, hỗ trợ chứ không làm thay thị trường. Việc thu hồi vốn, trả nợ xấu là việc của thị trường chứ không phải của Nhà nước.


DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức