Dù nhà nước hay doanh nghiệp đứng ra giải tỏa thì bước thương thảo với người dân là rất cần để tránh áp đặt và gây ra những bất ổn xã hội.
Một số chuyên gia và nhà đầu tư bất động sản tiếp tục bày tỏ quan điểm xung quanh đề xuất bỏ hẳn cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân về giá bồi thường đất của Bộ Xây dựng. Mặc dù nhận định nhà nước đứng ra làm thì rất tốt nhưng cần dung hòa lợi ích của cả ba bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu thiên về lợi ích của chỉ một hoặc hai bên thì đều không được.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng:
Nên xã hội hóa việc đền bù giải tỏa
Bộ Xây dựng trình Chính phủ xin xóa bỏ cơ chế chủ đầu tư thương lượng giá bồi thường nhằm khắc phục tình trạng người dân so bì, khiếu nại trong bồi thường thu hồi đất. Nhưng cá nhân tôi cho rằng đã giải tỏa thì phải thương lượng, dù cho người đứng ra đền bù giải tỏa là cơ quan nhà nước hay một doanh nghiệp đi nữa. Còn nếu áp đặt thì dễ gây những tác động bất lợi chứ không thể nói là giảm bớt việc khiếu kiện kéo dài được.
Lâu nay công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn vì giá đền bù thấp. Khung giá đất do nhà nước còn xa với thực tế và không có chuẩn nào cho việc thương lượng cả. Thường những dự án đưa ra giá đền bù thấp thì dân mới không chịu di dời, còn nếu chủ đầu tư đưa ra mức giá hợp lý thì người dân vẫn chấp nhận. Vì thế, bước thương thảo với người dân là rất cần thiết, tránh áp đặt và gây ra những bất ổn xã hội.
Nhà nước đứng ra đền bù giải tỏa là việc tốt nhưng cần dung hòa lợi ích của cả ba bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu thiên về lợi ích của chỉ một hoặc hai bên thì cũng không được. Theo tôi, về lâu dài nên xã hội hóa việc đền bù giải tỏa. Việc xã hội hóa công tác đền bù giải tỏa sẽ giảm nhẹ được gánh nặng cho nhà nước. Ban đầu, khi còn vừa làm vừa rút kinh nghiệm thì có thể giao cho trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện. Sau đó thì nên mạnh dạn cho tư nhân tham gia. Ở nhiều nước khác, người ta thành lập các công ty phát triển đất (land development corporation), có hoạt động trong lĩnh vực đền bù giải tỏa và phát huy rất tốt.
Ông Võ Đình Quốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc ACB: Nhà đầu tư chịu nhiều áp lực khi tự thỏa thuận Lâu nay, việc đền bù kéo dài là do lấn cấn về giá bồi thường. Một khi năng lực tài chính của nhà đầu tư thấp thì thời gian giải tỏa kéo dài. Trong điều kiện giá nhà, đất thay đổi từng ngày thì sau một thời gian, những hộ chưa di dời sẽ đòi giá mới. Do đó, càng kéo dài thì chi phí càng bị đẩy lên cao.
Trước đây tôi từng đề xuất việc nhà nước đứng ra đền bù giải tỏa rồi giao “đất sạch” cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu bây giờ có một cơ quan nhà nước đứng ra đảm nhiệm việc này thì doanh nghiệp rất hoan nghênh. Tâm lý của nhà đầu tư, kể cả trong nước hay nước ngoài đều không muốn đụng đến vấn đề pháp lý và đứng ra tranh chấp với người dân. Đó là chưa kể đến áp lực đè nặng lên vai các nhà đầu tư, nếu họ đứng ra thỏa thuận bồi thường mà không thực hiện kịp theo thời gian quy định thì sẽ bị thu hồi dự án.
Nếu một công ty nhà nước đứng ra đền bù giải tỏa thì công ty đó cũng là một pháp nhân kinh doanh và phải làm theo những quy định của pháp luật. Khi đền bù giải tỏa, có thể đưa ra hai lựa chọn cho người bị thu hồi đất: một là nhận đền bù bằng tiền, hai là nhận nơi ở mới, ít nhất cũng bằng hoặc hơn nơi cũ. Tuy là một loại hàng hóa đặc biệt nhưng việc điều chỉnh bất động sản cũng tương tự như các loại hàng hóa khác. Đó là nếu nhà nước muốn thị trường bình ổn thì nhà nước phải nắm giữ một quỹ nhà, đất ở trong tay.
Theo Pháp Luật TP.HCM