Dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Phong Sắc được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2004 nhưng đến nay vẫn gặp phải nhiều khó khăn đặc biệt là về giải phóng mặt bằng.
Hai phương án xây dựng
Để triển khai dự án xây dựng, Viện quy hoạch xây dựng - Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Mặt cắt ngang đường có bề rộng 30m. Chỉ giới đường đỏ phía Đông trùng mặt dãy nhà 4 tầng của tập thể HVCTQGHCM (K2, K3), chỉ giới đường đỏ phía Tây mở rộng khoảng 8m vào đất của Học viện.
Phương án 2: Mặt cắt ngang đường rộng 40m. Như vậy sẽ phải giải phóng mặt bằng dãy nhà cao tầng xây K2, K3.
Trong 2 phương án trên, UBND TP đã quyết định chọn phương án 2, điều đó gây nên sự bất bình của các hộ dân sống ở khu K2, K3 và khu C10 (cùng nằm trên một trục đường với K2, K3).
Chị Phan Thu Hà, một trong 9 hộ dân ở khu nhà C10 cho biết: "Vì cuộc sống, chúng tôi đã bỏ tiền ra mua nhà mặt đường, giá cao và đã có sổ đỏ, nếu quy hoạch đường, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, và tôi thấy việc chọn phương án 2 là bất hợp lý".
Trong đơn khiếu nại của mình, ông Nguyễn Duy Kỳ, dãy nhà K3, đường Nguyễn Phong Sắc có đề cập: Nếu theo phương án 1 sẽ không phải GPMB, không phải đền bù, tuân thủ đúng chỉ giới thì không được chấp nhận, lại chấp nhận việc giữ nguyên bức tường rào của Học viện để giải tỏa 2 dãy nhà K2, K3, gây tốn tiền của nhà nước. Và ông Kỳ cũng phân vân rằng, liệu có một thỏa thuận ngầm nào giữa Học viện và UBND hay không.
Không chỉ riêng ông Kỳ, các hộ dân ở khu nhà ở C10 cũng có nhiều thắc mắc xung quanh việc giải tỏa này. "Chúng tôi được biết là chỉ có dãy nhà C10 bị giải tỏa toàn bộ, trong khi dãy K2, K3 chỉ giải tỏa phần lưu không phía trước. Đây là điều bất hợp lý, vì C10 và K2, K3 nằm trên cùng một trục đường".
Cũng có ý kiến đề nghị xem xét cấp đất tái định cư cho 9 hộ dân C10 "để chúng tôi đỡ thiệt thòi".
Ban quản lý dự án nói gì?
Trả lời những những thắc mắc xung quanh vấn đề trên, Ông Dương Đức Thái - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giao thông - Đô thị đã có cuộc trao đổi với giới báo chí.
Ông khẳng định: "Chỉ giới đường đỏ đoạn đường từ Xuân Thủy đến Hoàng Quốc Việt đã được phê duyệt là hoàn toàn hợp lý". Ông cho biết thêm, chỉ giới điểm đầu sẽ được bắt đầu tính từ hàng rào của Học viện và có mặt cắt ngang đường là 40m. Điều này đã được thiết kế dựa trên thiết kế của Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở GTCC.
Cũng theo ông Thái, Sở GTCC đã phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc làm việc với cơ quan chức năng của Học viện thông báo hiện TP đã chuẩn bị đủ điều kiện về quỹ nhà tái định cư nên sẽ xây dựng hoàn chỉnh theo mặt cắt quy hoạch mà không phân chia làm 2 giai đoạn, như vậy cả C10 và K2, K3 sẽ được quy hoạch trong cùng một giai đoạn.
Việc đền bù cũng là một vấn đề hết sức quan trọng gây nên sự bất bình của người dân. Theo chị Phan Thu Hà và ông Đinh Trọng Thuần, nhà C10: "Trước chúng tôi mua nhà giá cao mà nay được đền bù có 18 triệu/ 1m2, tính ra chúng tôi chưa mua nổi một căn hộ chưng cư, rất thiệt thòi cho chúng tôi". Các hộ dân ở khu C10 cũng có mong muốn được tái định cư bằng đất.
Trả lời vấn đề này, ông Thái cho biết, mức đền bù đã có trong quy định và hiện thành phố không có quỹ đất.
Hiện tại, đã có 22 hộ dân đã nhận tiền đền bù, trong đó có 12 hộ dân đang bàn giao, 10 hộ dân đã phá dỡ, 2 cơ quan ( HVCTQGHCM và UBND phường Nghĩa Tân) cũng đang hoàn thiện thủ tục để bàn giao mặt bằng, còn một số hộ dân C10 vẫn đang kiến nghị về chỉ giới chưa cho điều tra.
Ông Thái cho biết, Ban quản lý dự án giao thông đô thị sẽ mời Sở QHKT họp trả lời kiến nghị của các hộ dân C10.
Theo ANTĐ - Kinh Tế & Đô Thị