Xung đột nhà đất có giảm vào năm 2014?

Cập nhật 13/12/2013 13:34

Thị trường bất động sản gặp khó trong cả thời gian dài dẫn đến giao dịch ảm đạm đặc biệt vấn đề xung đột lợi ích về mặt lợi ích giữa các bên ngày một gia tăng.

Có thể nói chưa khi nào thị trường lại chứng kiến nhiều vụ tranh chấp nảy lửa đến vậy. Trong năm 2013, các loại tranh chấp đang diễn ra phổ biến như tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án và người góp vốn mua nhà trên giấy, giữa chủ đầu tư ban đầu và các chủ đầu tư thứ cấp dưới dạng nhận chuyển nhượng dự án hoặc góp vốn đầu tư…) và các loại tranh chấp có thể hình thành trong tương lai (ví dụ như tranh chấp trong việc giải quyết nợ xấu, giải quyết kho bất động sản tồn đọng…).

Một số dự án xảy ra nhiều tranh chấp trong thời gian gần đây như: Tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ của Tập đoàn Nam Cường tại dự án Lê Văn Lương Residential, Hà Đông; cách tính diện tích căn hộ của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Lai Châu tại chung cư Đại Thanh (Thanh Trì – Hà Nội); hay Phí dịch vụ, sổ đỏ, sở hữu chung-riêng của Tập Đoàn Bitexco tại chung cư cao cấp The Mannor; phí dịch vụ tại Keangnam…

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu thị trường BĐS khởi sắc thì các tranh chấp nhà đất sẽ giảm dần trong năm 2014: "Tôi cho rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ ràng hơn từ quý 3/2014, vào thời điểm đó, kinh tế cũng sẽ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng mạnh hơn, nếu thị trường bất động sản ấm trở lại thì các xung đột cũng giảm", ông Nghĩa nói.
Nhìn ở một góc độ khác, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường bất động sản lắng xuống và tranh chấp tăng lên cũng là đúng quy luật. Trước đây chỉ cần mua được nhà của chủ đầu tư là đã nhìn thấy lãi và không cần khiếu kiện gì. Hiện nay, mọi cái mà trước kia dễ chấp nhận thì lại chính là điểm tạo ra bất đồng giữa chủ đầu tư và người mua nhà.

"Bình thường những xung đột trên thị trường sẽ tiếp diễn vào năm 2014 vì chúng ta vẫn còn có rất nhiều hợp đồng được hình thành từ trước nhưng không đảm bảo tính chặt chẽ nên khiếu nại chắc chắn sẽ xuất hiện", Giáo sư nói.

Cũng theo GS: "Vấn đề còn lại là năm 2014 là chúng ta phải tìm cách để giảm các tranh chấp thông qua việc thảo luận mang tính hòa giải giữa chủ đầu tư và người mua nhà, trong đó cũng cần tới sự tham gia của các cơ quan quản lý mang tính hướng dẫn để giải quyết theo cách hòa giải. Trường hợp không thể giải quyết được thì phải đưa ra tòa, hy vọng tòa án sẽ giải quyết nhanh và minh bạch".

Đồng ý với GS. Võ, Luật Sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định: "Xung đột trên thị trường sẽ ngày càng gay gắt nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước và sự thực hiện nghiêm túc của các cơ quan liên quan".


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ