“Xuất khẩu” bất động sản tại chỗ

Cập nhật 15/12/2017 13:41

Theo một số chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng. Các nhà đầu tư, khách hàng trong nước ra nước ngoài mua nhà; các nhà đầu tư nước ngoài, khách nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Xu hướng này sẽ phát triển trong thời gian tới và việc xuất khẩu bất động sản tại chỗ sẽ giúp thị trường được điều tiết và giảm tồn kho.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2017, Ts Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng năm 2017, thị trường bất động sản phân khúc trung cấp vẫn trong đà phát triển tốt hơn, do vẫn thiếu cung nhiều cầu, trong khi đó phân khúc cao cấp đang có dấu hiệu dư thừa.

Dấu hiệu tích cực của thị trường

Về giá cả, năm 2017 đã tăng từ 5 đến 20% so với mấy năm trước tuỳ từng phân khúc. Một số nơi tăng nóng như khu vực quy hoạch mới công bố. Dòng vốn đầu tư cho thị trường bất động sản được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, nợ xấu đã giảm, tổng dư nợ bất động sản khoảng 400.000 tỷ đồng chiếm 6,5% toàn bộ nền kinh tế.

Đáng chú ý là hai dòng vốn đầu tư tích cực đổ vào bất động sản của 4.500 doanh nghiệp bất động sản được thành lập đến hết tháng 11, tăng 60% về số doanh nghiệp cũng như về vốn. Đầu tư nước ngoài vào bất động sản đạt 2,5 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với năm ngoái.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế vĩ mô. Nói về thế giới, theo ông Lực, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục được ổn định, điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực và trực tiếp tới kinh tế Việt Nam.

Như vậy, thị trường bất động sản Việt Nam cũng sẽ tiếp tục có đà phát triển tốt, đặc biệt là các phân khúc như mặt bằng bán lẻ, cho thuê, căn hộ, đất liền kề.

Tuy nhiên, đối với phân khúc cao cấp và căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, ông Cấn Văn Lực khuyến cáo các bộ, ngành và Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ để tránh xảy ra hiện tượng dư cung, nợ xấu tăng cao trở lại.

Hiện Chính phủ đã và đang tích cực có những chiến lược phát triển dài hạn đối với thị trường bất động sản, hỗ trợ cho thị trường phát triển hơn. Cơ bản, thị trường năm 2018 sẽ vẫn phát triển như năm 2017, dòng vốn nước ngoài tiếp tục được duy trì, việc chuyển nhượng mua bán dự án và mua bán sáp nhập sẽ nhiều hơn.

“Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên, nhất là sau APEC, Việt Nam đã cùng các nước đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hy vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu sẽ được ký kết thì dòng vốn sẽ đổ vào bất động sản ở mức độ nhiều hơn”, ông Lực kỳ vọng.


Từ sau khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, đã có hơn 800 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Số vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản luôn cao, riêng năm 2015 đã có 2,5 tỷ USD.

Cơ hội và thách thức

Đồng quan điểm với Ts Cấn Văn Lực, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cen (Cengroup), cho rằng xu hướng năm 2017, thị trường bất động sản phát triển hơn các năm trước. Hiện nay và thời gian tới, Việt Nam chứng kiến một xu hướng toàn cầu hoá bất động sản, bao gồm cả nhà đầu tư và khách hàng trong nước ra mua nhà ở nước ngoài và những nhà đầu tư, khách hàng ở nước ngoài vào trong nước mua nhà tại Việt Nam.

Hồi tháng 11, Tập đoàn Hoàng Quân có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh đã chi 40 triệu USD đầu tư xây nhà ở xã hội ở thành phố Tacoma (Mỹ). Trong năm 2017, báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Trong đó, số tiền người Việt đã bỏ ra chiếm 2%, tương đương khoảng 3,06 tỷ USD.

Tại Việt Nam, từ sau khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, đã có hơn 800 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Hơn nữa, số vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản luôn cao, riêng năm 2015 đã có 2,5 tỷ USD.

Những con số này cho thấy, chưa bao giờ Việt Nam chứng kiến sự hội nhập của thị trường bất động sản nhanh như thế. Trong vòng 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ chứng kiến sự xuất hiện của xuất khẩu bất động sản tại chỗ.

“Với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, phân khúc trung và cao cấp cũng sẽ nổi lên. Nhiều người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến từ các nước như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao, sẵn sàng bỏ tiền ra vài trăm ngàn USD để mua một sản phẩm bất động sản ở Việt Nam để sống và làm việc. Hiện nhiều khách hàng đến từ châu Âu đang tìm kiếm bất động sản ở Việt Nam. Điều đó cho thấy bất động sản vẫn có khả năng tăng giá và chủ đầu tư vẫn đón lõng lượng khách hàng đó”, ông Phạm Thanh Hưng nói.

Như vậy có thể nói thị trường bất động sản Việt Nam chính thức hội nhập và mở cửa, không chỉ cho nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư quốc tế. Cuộc chơi này rất khốc liệt và sòng phẳng, với nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD đổ vào bất động sản. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là cơ hội cho các chủ đầu tư trong nước trước áp lực cạnh tranh này. 

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh