Xuân về trên vùng đất mới tái định cư

Cập nhật 05/01/2012 14:10


Thành phố mới Bình Dương. Nguồn ảnh: Internet
Sau gần 10 năm triển khai dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương diện tích 4.200ha, chúng tôi trở lại nơi đây để tìm về cuộc sống của hàng ngàn người dân bị giải tỏa. Thật phấn khởi vì cuộc sống của người dân đã đổi thay trên vùng đất mới tái định cư và nhịp sống của họ cũng đã hòa nhập với hơi thở phố phường.

Hòa nhịp với nhịp sống đô thị

Đi giữa thành phố mới Bình Dương, cuộc sống đang diễn ra rạo rực từng giây, từng phút. Điều dễ cảm nhận nhất là trên các vùng đất mới tái định cư – vốn hàng ngàn người dân làm nông nghiệp nay chuyển mình thành người phố thị đã tấp nập vào xuân. Năm 2011, trên 5 khu vực tái định cư của dự án Khu liên hợp, tỉnh Bình Dương thành lập thêm hai phường mới là Phú Tân, Tân Phú thuộc thị xã Thủ Dầu Một, từ đó cuộc sống của những người dân tái định cư đã chuyển mình trở thành người của đô thị. Bây giờ, người dân thuộc diện giải tỏa nhờ có “ruộng công nghiệp hóa” đã mở nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, xưởng sửa chữa xe máy, đại lý bưu điện, nhà trọ cho công nhân... trên các nền đất tái định cư đều có cuộc sống mới.

Một buổi sáng đầu năm 2012, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Châu đang bưng nước cho khách trong quán cà phê ở mặt phố một con đường cửa ngõ vào trung tâm dự án thành phố mới Bình Dương. Anh Châu là một trong những gia đình bị giải tỏa đất thuộc dự án Khu liên hợp Bình Dương. Anh cho biết: Năm 2005, khi Công ty Becamex triển khai dự án, cả gia đình 10 anh em đều sống dựa vào khoảnh đất ở gần xã Định Hòa. Ai cũng lo lắng vì v ới vỏn vẹn 3,3ha đất sản xuất mỗi vụ nuôi sống cả gia đình, nay không còn đất họ sẽ sống ra sao. Rồi đại diện Công ty Becamex đến thuyết phục, đưa ra phương án đền bù, hoán đổi 3,3 ha đất thành 2.400m2 đất ở (tái định cư) đô thị thuộc mặt phố của dự án thành phố mới Bình Dương và cộng thêm hơn 1 tỉ đồng (tiền đền bù đất, giải tỏa). Anh Châu cho hay, năm 2007, giá đất tái định cư đột nhiên sốt lên rất cao, có thời điểm tới 12 triệu đồng/m2 nhưng tôi không bán, nếu bán hết khu đất tái định cư 2.400m2, ít nhất cũng được 25 tỉ đồng. Anh Châu tiếc nuối, chỉ nhạy bén chút thôi, bán đi một một nửa đất nền tái định cư để hoán đổi 30 ha cao su ở huyện Bến Cát thì giờ tôi khấm khá hơn nhiều, chỉ thu hoạch mủ cao su cũng sống khỏe re. Sau khi giải tỏa đất, một số hộ dân biết nắm bắt cơ hội, dùng tiền đền bù để mua thêm đất, mua lô cao su, bây giờ họ đã xây nhà lầu, đi xe hơi. Hiện tại vợ anh Châu là chủ quán cà phê đề huề trên mặt tiền của cửa ngõ vào thành phố mới Bình Dương, cuộc sống của họ thật sự đã hòa vào nhịp sống phố thị.

Cũng trên khu tái định cư lô C thành phố mới, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Đình Hà (64 tuổi) – người cũng “mất” 1,3 ha đất bị giải tỏa. Ông Hà cho hay, sau khi hoán đổi hơn 700m2 đất ở đô thị và nhận thêm 600 triệu đồng tiền đền bù, ông xây nhà mới, số còn lại mua xe tải cho con trai nhận vận chuyển hàng cho công ty nệm mút. 6 người con của ông hiện đều chuyển sang làm công nhân, lương tuy còn thấp nhưng đủ nuôi sống bản thân.

Hiệu ứng của đô thị hóa

Sau gần 10 năm xây dựng, thành phố mới Bình Dương thuộc Khu liên hợp Công nghiệp dịch vụ đô thị có diện tích 4.196 ha đã đổi thay rõ nét, các tòa nhà cao tầng mọc lên chọc trời ngày càng nhiều. Một trung tâm chính trị - hành chính tập trung của tỉnh đang từng bước hoàn thiện, các cao ốc, văn phòng, phố thương mại xây dựng rất nhanh. Một thành phố mới - thành phố trẻ đã hiện rõ vóc dáng đẹp đẽ, hiện đại khiến bao người trầm trồ, háo hức.

Đến thành phố mới, chúng tôi thấy nổi lên thị trường khá nóng là bất động sản. Đi đâu cũng nghe mọi người bàn tán về triển vọng nhà, đất, nhất là các khu đất tái định cư trở thành "khu đất vàng” thu hút nhiều người quan tâm. Hiện nay, giá đất tại các khu tái định cư khoảng 5-6 triệu đồng/m2; các khu gần trung tâm, gần chợ, trung tâm thương mại giá 10 triệu đồng/m2. Ở nhiều nơi nền đất "đóng băng” nhưng ở thành phố mới hàng ngày vẫn đón hàng trăm lượt người đến hỏi mua đất. Hiệu ứng càng được nhân lên sau khi chính sách phát triển đô thị đi kèm với công nghiệp của Bình Dương. Nhờ chính sách “trải thảm”, Khu liên hợp 4.196 ha đón ngay 6 nhà đầu tư lớn lập 6 khu công nghiệp tập trung với diện tích 3.000 xây dựng cơ sở hạ tầng đã và đang thu hút hàng trăm nhà máy sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Hiệu ứng đó còn kéo theo các trường đại học, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, cửa hàng ăn uống… mọc lên rất nhanh, hình thành một “vùng đệm” giàu sức sống ở thành phố mới Bình Dương.

Đón năm mới 2012, thành phố mới Bình Dương vinh dự đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm nhân dịp kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh Bình Dương. Chủ tịch nước đã biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Bình Dương, làm thay đổi diện mạo của quê hương Bình Dương từ khu đô thị đến các vùng nông thôn, tạo tiền đề để Bình Dương tiếp tục phát triển nhanh trong những năm tới. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tỉnh phải chú trọng xây thành phố mới Bình Dương theo hướng văn minh hiện đại, đi đôi với các khu dịch vụ, đô thị gắn với công nghiệp cao. Đảng bộ và nhân dân Bình Dương cần tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng, những kết quả đã đạt được, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để Bình Dương thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, góp phần tích cực cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, phát huy cao nhất nội lực để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+